Thế giới vẫn lo giá lương thực leo thang

Giá lương thực-thực phẩm leo thang vẫn là mối quan ngại hàng đầu đối với người tiêu dùng thế giới, mặc dù xu hướng tăng giá đã dịu hơn.
Giá lương thực-thực phẩm leo thang vẫn là mối quan ngại hàng đầu đối với người tiêu dùng thế giới, mặc dù xu hướng tăng giá đã dịu hơn.
 
Theo Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO), kể từ năm 2008, những nhân tố khiến giá thực phẩm leo thang trên thị trường đã dần bị đảo ngược.

Mất mùa nhường chỗ cho những vụ mùa bội thu. Vụ thu hoạch lúa mì năm 2008 đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Giá dầu hạ cũng làm giảm thiểu chi phí sản xuất và vận chuyển.
 
Tuy nhiên, FAO cho rằng mức giá trị trường sẽ không thể giảm so với trước cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008 và nguy cơ bất ổn định giá cả vẫn luôn tiềm ẩn.

FAO cũng cho biết giá lương thực chủ chốt tại các quốc gia phát triển vẫn ở mức cao đáng kể so với tiêu chuẩn trước kia.
 
Trong một năm qua, chỉ số giá của một số mặt hàng lương thực cơ bản tại các thành phố lớn trong đó có Washington, Mátxcơva và New Delhi nhìn chung đã tăng gần 5%.
 
Trong khi đó, tốc độ phát triển dân số, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh trong tầng lớp trung lưu ở những nền kinh tế đang phát triển mạnh đã khiến giá lương thực vẫn duy trì ở mức cao.
 
Hiện cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng, thu nhập sa sút cũng làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng.
 
Chỉ số giá lương thực-thực phẩm trong 2 năm qua đã tăng 82%, lên mức cao kỷ lục vào tháng 6/2008, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh đói nghèo và làm gia tăng tình trạng bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới.

Trước thực trạng giá gạo và lúa mì tăng vọt, biểu tình đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục