"Thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị lịch sử"

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, thế hệ trẻ ngày hôm nay vẫn hết sức trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã gây dựng.
Vị thiếu tướng nổi tiếng với biệt danh "ông tướng Bảo tàng" đã cười rất tươi khi được hỏi về thế hệ trẻ. Ông bảo, điều khiến những người đi trước như ông vui mừng nhất chính là tất cả những điều thế hệ ông đã làm đều được giới trẻ hết sức trân trọng.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với thiếu tướng Lê Mã Lương bên lề triển lãm “Những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”.

- Triển lãm “Những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” được tổ chức đúng dịp Thủ đô đang tưng bừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của triển lãm lần này?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Lịch sử Việt Nam ghi nhận hơn 30 trận đánh và chiến dịch quân sự nổi tiếng. Từ số những sự kiện này, chúng tôi đã lựa chọn ra 10 chiến dịch tiêu biểu nhất cho nghệ thuật quân sự Việt Nam. Con số 10 cũng tương ứng với 1.000 năm chiều dài lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh giá trị về lịch sử, thông qua cuộc triển lãm, chúng tôi muốn gửi đến thế hệ trẻ một thông điệp về truyền thống dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

- Để thực hiện được cuộc triển lãm này, đội ngũ những người làm bảo tàng đã gặp phải khó khăn gì, thưa thiếu tướng?


Thiếu tướng Lê Mã Lương: Để có thể tập hợp được những hiện vật đại diện cho cả chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm, chúng tôi đã phải tiến hành từ nhiều năm nay. Vì thực tế, có những chiến dịch đã trải qua hàng nghìn năm ví dụ trận đánh năm 938 của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Ngay cả những trận đánh gần nhất, có được những hiện vật tiêu biểu giá trị cao cũng không phải là điều đơn giản. Để làm được điều này, các cán bộ, chiến sỹ của Bảo tàng đã phải tỏa đi khắp các địa phương tìm tòi, sưu tầm đồng thời phối hợp với các bảo tàng địa phương để tiến hành đối chiếu, giám định. Kết quả là, sau rất nhiều gian nan, khó khăn, hiện tại đã có 500 hiện vật tiêu biểu cho 10 trận đánh lớn trong lịch sử Việt Nam.

Trong số những hiện vật này, có những hiện vật mang trong mình giá trị lịch sử rất cao. Có thể kể ra đây cây cọc Bạch Đằng năm 1288 thời Trần Hưng Đạo hay những bộ súng lệnh từ thời Ngô Quyền cho đến thời Lý Thường Kiệt. Chúng tôi đã tiến hành bảo quản và giám định khoa học. Thái độ nghiêm túc này cũng là cách chúng tôi chứng tỏ trách nhiệm của bảo tàng với lịch sử và với Thủ đô nhân dịp Đại lễ.

- Với tư cách là anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, đã trải qua kháng chiến, thiếu tướng đánh giá thế nào về nghệ thuật quân sự của Việt Nam?


Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trong những năm chống Mỹ, tôi có vinh dự được tham gia nhiều chiến dịch lớn, từ chiến dịch mùa xuân năm 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh. Mỗi chiến dịch đều được kế thừa kinh nghiệm từ những trận đánh trước đó của cha ông. Đỉnh cao nhất trong số đó là chiến dịch mang tên Bác năm 1975. Khi tôi sang nước ngoài, các cựu chiến binh Mỹ đều tỏ ra hết sức thán phục nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của chiến dịch này, rất chuẩn xác, hiệu quả, tiêu hao lực lượng rất thấp so với đối phương.

Những chiến dịch này đều kết tinh và chắt lọc những điểm tinh túy nhất của nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, dùng yếu đánh mạnh, mang vũ khí thô sơ đánh thắng khí tài hiện đại. Đây cũng chính là nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã được Đảng ta phát huy lên tới đỉnh cao để giúp dân tộc ta giành được độc lập, tự do.

- Thiếu tướng có suy nghĩ thế nào về thế hệ trẻ hôm nay?

Thiếu tướng Lê Mã Lương:
Thế hệ chúng tôi tham gia chống Mỹ và trưởng thành lên cũng từ đó. Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nay, bây giờ nhìn lại thấy thế hệ trẻ nô nức đến với bảo tàng, tôi rất vui. Điều này  chứng tỏ họ thực sự trân trọng, thực sự yêu mến và tự hào đối với những gì thế hệ cha ông làm được. Như thế, cũng có nghĩa thông điệp thế hệ chúng tôi gửi đến hiện tại và mai sau đã đạt được mục đích./.
Triển lãm trưng bày hơn 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong 10 trận đánh được đánh giá là những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu, có nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam: Trận Bạch Đằng (938), trận Như Nguyệt (1077), trận Đông Bộ Đầu (1258), trận Bạch Đằng (1288), trận Chi Lăng - Xương Giang (1427), trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), trận Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), trận Điện Biên Phủ trên không (1972), chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Đây là hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
 
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục