Thế khó của Ấn Độ và Nhật Bản trong chính sách đối với Myanmar

Trong khi Nhật Bản kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Myanmar thì Ấn Độ là một trong 8 quốc gia cử đại diện đến tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang Myanmar ở thủ đô Naypyitaw.
Thế khó của Ấn Độ và Nhật Bản trong chính sách đối với Myanmar ảnh 1Xe quân sự tuần tra trên đường phố tại Mandalay, Myanmar, ngày 3/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, cuộc khủng hoảng Myanmar đang lan rộng, vượt ra ngoài biên giới của nước này khi những người tị nạn Karen đang cố gắng tìm kiếm sự an toàn tại nước láng giềng Thái Lan, trong bối cảnh quân đội Myanmar tiếp tục tấn công những người dân thường phản đối cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021.

Cộng đồng quốc tế đang phải chứng kiến các vụ bạo lực ngày càng gia tăng ở đất nước Đông Nam Á này khi số thương vong đã vượt quá 100 người trong một ngày.

Trước tình hình bạo lực nói trên, các quan chức quốc phòng của Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và các nước khác đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi chính quyền quân sự chấm dứt gia tăng các hành vi bạo lực.

Trong khi Nhật Bản nằm trong số các quốc gia kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Myanmar thì Ấn Độ đã không tham gia nhóm trên mà ngược lại còn là 1 trong 8 quốc gia cử đại diện đến tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang Myanmar ở thủ đô Naypyitaw.

Mặc dù Nhật Bản đã có một số động thái muộn màng thể hiện sự đồng tình đối với cộng đồng quốc tế, song cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đang lâm vào tình thế chênh vênh liên quan đến chính sách tại Myanmar, vốn được thúc đẩy bởi những tính toán địa chính trị và những vấn đề nội tại hơn là nỗ lực đảm bảo một sự quay trở lại của nền dân chủ.

Trong nhóm Bộ Tứ, Nhật Bản cùng với Mỹ, Australia lên án cuộc đảo chính quân sự, trong khi đó, Ấn Độ, dù đã cùng với Mỹ và Australia nêu lên những quan ngại, song đã nhanh chóng chuyển sự quan tâm sang những vấn đề chính trị và an ninh trong nước.

Đối với Nhật Bản và Ấn Độ, mối quan hệ mà hai nước này đang duy trì với Myanmar đều dựa trên chủ nghĩa thực dụng. Chính sách đa sắc thái của Ấn Độ được định hưởng bởi mối quan ngại mạnh mẽ về an ninh nội địa ở các bang Đông Bắc, trong khi Nhật Bản duy trì mối quan hệ với Myanmar không chỉ vì tầm quan trọng về địa chính trị của nước này mà chủ yếu là vì sự cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.

Đối với Ấn Độ, an ninh là mối quan tâm hàng đầu. Myanmar có đường biên giới trên bộ dài 1.600 km với Ấn Độ, bao gồm các bang Arunachal Pradesh, Mizoram, Nagaland và Manipur.

Trong số các bang của Ấn Độ phải đối mặt với hậu quả trực tiếp nhất của cuộc đàn áp đang diễn ra tại Myanmar thì Mizoram là mối lo ngại lớn nhất của New Delhi. Ấn Độ duy trì một tùy viên quốc phòng tại Myanmar để phối hợp chặt chẽ.

Gần đây, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đã nói với Hội đồng Bảo an rằng dòng người tị nạn từ Myanmar ở biên giới Ấn Độ và Thái Lan là "đáng ngại và có thể chỉ là khởi đầu" của một vấn đề lớn hơn.

[LHQ hỗ trợ hàng nghìn người dân Myanmar tránh xung đột]

Kể từ thời điểm đó, chính quyền trung ương ở New Delhi đã bắt đầu thắt chặt biên giới, bất chấp Thủ hiến của Mizoram, Zoramthanga thúc giục chính quyền trung ương đảo ngược chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở nhân đạo.

Zoramthanga gần đây cũng đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Myanmar Zin Mar Aung.

Có 3 vấn đề cốt lõi khiến Ấn Độ giữ thái độ lạnh lùng với người tị nạn Mynamar: thứ nhất, Ấn Độ cần sự hợp tác của Myanmar để đối phó với các nhóm nổi dậy hoạt động ở phía Đông Bắc của nước này, vốn đang trú ẩn an toàn ở Myanmar; thứ hai, dấu ấn ngày càng rõ rệt của Trung Quốc tại Myanmar, cùng với việc Trung Quốc gia tăng liên kết với các nhóm, tổ chức nội địa ở Ấn Độ khiến các mối đe dọa an ninh nội địa của Ấn Độ càng thêm phức tạp. Điều này đòi hỏi Ấn Độ phải duy trì mối quan hệ khả thi với quân đội Myanmar bất chấp sức ép quốc tế và nguy cơ tổn hại đến uy tín quốc tế của nước này.

Myanmar có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh ở Vịnh Bengal và hành lang kết nối với phía đông bắc. Đối với Nhật Bản, chính sách thận trọng của nước này đối với Myanmar được thúc đẩy trên cơ sở mong muốn bù đắp các khoản đầu tư kinh tế và sự cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh ở khu vực Đông Nam Á.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều coi Myanmar là một trung tâm chiến lược, không chỉ là miền Tây hoang dã của Đông Nam Á, mà còn là đường dẫn cho những lợi ích lớn hơn trong khu vực, từ vận tải biển, cơ sở hạ tầng quan trọng, khí đốt tự nhiên và khoáng sản.

Cũng như Trung Quốc, Nhật Bản là một nước đóng góp kinh tế quan trọng, một trong những nhà đầu tư trực tiếp hàng đầu vào Myanmar và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Nhật Bản tập trung đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Myanmar, đặc biệt là nâng cấp hệ thống đường sắt. Tokyo tin rằng cần tránh bất kỳ cuộc thảo luận nào trừng phạt kinh tế vì điều đó "sẽ chỉ đẩy Myanmar xích lại gần Trung Quốc."

Nhật Bản cũng mong muốn gặt hái được những lợi ích sau nhiều năm đầu tư vào Myanmar. Khi phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar sau làn sóng bạo lực ở bang Rakhine khiến hơn 700.000 người Hồi giáo Rohingya phải sơ tán sang nước láng giềng Bangladesh, Tokyo bắt đầu lo lắng bởi vì Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống về đầu tư nước ngoài và tính chính thống của một quốc gia bên ngoài tại Myanmar.

Do đó, Nhật Bản đang bị mắc kẹt giữa việc bị hối thúc sử dụng các mối quan hệ của mình ở Myanmar để kêu gọi một sự quay trở lại chế độ dân chủ và cuộc cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra với Trung Quốc.

Tokyo đã nói với các đồng minh phương Tây rằng lợi ích từ mối quan hệ của họ với quân đội có khả năng xoa dịu tình hình và đưa đất nước quay trở lại con đường dân chủ. Tokyo tin rằng nhiều năm phản đối viêc trừng phạt quân đội Myanmar của họ đã mang lại cho họ những lợi thế.

Tuy nhiên, ý tưởng này hiện đang lụi tàn. Nhật Bản đang bị Mỹ lôi kéo cùng với cộng đồng quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như dừng viện trợ kinh tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi gần đây lưu ý rằng việc Nhật Bản ngừng viện trợ sẽ gửi đi một thông điệp "rõ ràng," nhưng không đề cập đến các biện pháp trừng phạt kinh tế. Viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho Myanmar trong năm 2019 đạt hơn 1,8 tỷ USD.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế - đặc biệt là nhằm vào quân đội, sẽ làm tê liệt quan hệ song phương và khiến 427 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Myanmar lo lắng sẽ có thêm rủi ro.

Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều nỗ lực thận trọng nhằm xoa dịu những chỉ trích khi đưa ra tuyên bố khuyến khích sự trở lại của chế độ dân chủ. Ấn Độ rơi vào thế khó khi gần đây Tatmadaw yêu cầu trục xuất một số công dân Myanmar, trong đó có một số nhân viên an ninh đã vượt biên sang Ấn Độ để tránh một cuộc đàn áp chính trị. Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi Ấn Độ thực hiện cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhiều hơn.

Tương tự, Nhật Bản cũng đang ở ngã ba đường. Các nhà phê bình kêu gọi Nhật Bản điều chỉnh chính sách ở Myanmar sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế và nhân quyền, phối hợp với Canada, Mỹ và Anh để thắt chặt các nguồn tài trợ giúp chế độ Tatmadaw duy trì tính hợp pháp. Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt giống như với các trường hợp khác trong khu vực, cụ thể là Campuchia. Ấn Độ có thể sẽ dành sự ưu tiên cho những vấn đề an ninh nội địa và quốc tế hơn bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang trầm trọng hơn, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn, đặc biệt là về vấn đề nhân đạo. Nhật Bản đang cảm thấy áp lực trong nội bộ, vì một số thành viên Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bất đồng quan điểm với đường lối của đảng.

Công chúng Nhật Bản cũng lo ngại về chính sách của chính phủ. Trong khi đó, đường biên giới dài của Ấn Độ có thể là một lối vào cho hàng nghìn người Myanmar tìm kiếm nơi ẩn náu và cũng giống như trong quá khứ, nước này sẽ vẫn tuân theo nguyên tắc “không gửi trả."

Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng của Myanmar tồi tệ hơn nữa, nhiều khả năng cả hai quốc gia sẽ phải từ bỏ chính sách “đi trên dây” đầy mong manh mà họ đang áp dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục