Thế khó của ông Donald Trump trước thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai

Vào thời điểm ông Trump mong muốn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, bất cứ nhận định nào mà ông được nghe trước thềm cuộc gặp cũng sẽ trở nên "rất có giá trị."
Thế khó của ông Donald Trump trước thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12/6. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo trang mạng edition.cnn.com, để chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng, các tổng thống Mỹ thường yêu cầu giới chuyên gia đưa ra những đánh giá về âm mưu, ý đồ của một nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có cả những mối đe dọa mà nhân vật đó có thể tạo ra.

Những nhận định của giới chuyên gia là cơ sở quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các kiến nghị với chính phủ Mỹ, để từ đó có những đối sách phù hợp, trong đó có những "giới hạn đỏ" và cả những vấn đề có thể nhượng bộ trong đàm phán. Tuy nhiên, nếu thiếu sự đồng thuận của tổng thống về cơ sở đó, những đề xuất của giới hoạch định chính sách không thể "đơm hoa kết trái," nhất là trong trường hợp Triều Tiên vốn đang là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018, hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng rằng Bình Nhưỡng sẽ hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo lời Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, dường như Triều Tiên chưa có những bước đi cụ thể hướng tới việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và hiện vẫn là "mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng."

Mặc dù ông Trump nói rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên "thấu hiểu lẫn nhau," song dường như đó chỉ là "mối tình đơn phương." Ông Kim Jong-un đã có được nhiều hơn những gì ông ta muốn, bao gồm cả những nhượng bộ của chính quyền Mỹ (như ngừng các cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ-Hàn), trong khi Washington chẳng nhận được gì tương xứng. Vì vậy, có thể nói, vào thời điểm ông Trump mong muốn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, bất cứ nhận định nào mà ông được nghe trước thềm cuộc gặp cũng sẽ trở nên "rất có giá trị." 

Lòng tin bị tổn thương

Bình Nhưỡng thực sự đã có được năng lực hạt nhân lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất (tháng 6/2018).

Năm 2017, Mỹ ước tính Triều Tiên sở hữu khoảng 60 đầu đạn hạt nhân. Kể từ thời điểm đó, cộng đồng quốc tế chưa phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng "đóng băng" chương trình hạt nhân hoặc tên lửa của mình.

Trên thực tế, trong bài diễn văn chào Năm Mới 2019 vừa qua, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng sẽ không "đóng băng" (hay đơn phương từ bỏ) chương trình hạt nhân cho tới khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Công bằng mà nói, ông Trump chưa thực sự có được cam kết phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un khi hai người gặp nhau ở Singapore và vì thế, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng hạt nhân của mình.

[Hai thách thức song song của Trump trên bán đảo Triều Tiên]

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai nói rằng Triều Tiên tiếp tục sản xuất các loại nguyên liệu để sử dụng chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng đã có nhiều báo cáo cho thấy Bình Nhưỡng đã nâng cấp cơ sở hạ tầng và sản xuất nhiều loại vũ khí phức tạp hơn.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, Bình Nhưỡng dường như đã có trong tay kho vũ khí hạt nhân lớn hơn và tốt hơn nhiều so với thời điểm tháng 6/2018. Điều này đặt ra những câu hỏi thực sự cấp thiết rằng chính quyền Kim Jong-un có tiến tới phi hạt nhân hóa hay không? Ngay cả khi Kim Jong-un muốn thực hiện điều đó thì tiến trình giải giáp hạt nhân cũng trở nên khá phức tạp bởi vì năng lực hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp tục lớn mạnh.

Với mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, các nhà đàm phán của Mỹ (nếu họ được phép thực hiện bất cứ đối sách nào của tổng thống) cũng cần tập trung vào những nhượng bộ mà Washington yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện liên quan đến chương trình hạt nhân trước khi trao cho họ những "món quà lớn hơn."


"Tình yêu" của ông Kim Jong-un không mù quáng

Trong khi ông Trump bày tỏ thiện chí "sẵn sàng" gặp lại ông Kim Jong-un cho dù "đối tác" chẳng làm gì để có được điều đó, thì bản thân nhà lãnh đạo Triều Tiên lại đang chơi một ván bài khác và dường như chắc chắn sẽ giành phần thắng.

Trong bài diễn văn chào Năm Mới 2019, ông Kim Jong-un đã đe dọa trực tiếp rằng "sẽ tìm con đường đi mới nếu Mỹ không giữ lời hứa." Việc ông Kim Jong-un mong muốn có được cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với ông Trump cũng là vì ông ấy nghĩ có thể "kiếm chác" được gì đó. Mỹ hiểu rõ rằng chính quyền Bình Nhưỡng chủ yếu muốn giảm bớt các lệnh trừng phạt cũng như đạt được một Hiệp ước Hòa bình chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên, bắt đầu bằng việc Mỹ rút quân đồn trú ra khỏi bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù ông Kim Jong-un cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng đã có những hành động rất thiện chí (gồm cả việc trao trả một số "con tin" Mỹ), song Washington cũng cần làm rõ những bước đi còn thiếu mà hai bên đã đạt được trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa, tuyệt đối không trao cho Bình Nhưỡng tất cả những gì họ muốn, đặc biệt là các lệnh trừng phạt hoặc rút quân đồn trú.

Các lệnh trừng phạt vẫn được thực hiện do Triều Tiên có các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân. Chỉ khi những hành động đó chấm dứt, Mỹ mới thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Việc quân đội Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản đơn giản là bởi ở những nơi đó vẫn có những mối đe dọa hiện hữu, bao gồm cả mối đe dọa từ Triều Tiên. Một khi không còn mối đe dọa nào nữa, các chỉ huy sẽ xem xét việc rút quân. Khi chưa có những chuyển biến tích cực, mọi tính toán liên quan đến vấn đề trên đều là "hấp tấp".

"Khẩu hiệu suông"

Có thể nói, cộng đồng quốc tế không cần chờ tới khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra mới biết được mục đích thực sự của Kim Jong-un. Kể từ cuộc gặp ở Singapore, thế giới vẫn chưa thấy các chuyên gia giải giáp hạt nhân của Mỹ làm việc với đối tác Triều Tiên. Và nếu như họ không gặp nhau trước cuộc gặp thượng đỉnh lần hai thì hoàn toàn có thể đưa ra kết luận rằng hai bên sẽ không đạt được những tiến bộ để tuyên bố phi hạt nhân hóa.

Các chuyên gia của Mỹ là một thành tố quan trọng trong việc đưa ra các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa và thuyết phục người Triều Tiên tuân thủ. Tuy nhiên, họ không cần phải làm điều đó.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thành công trong việc xây dựng và triển khai chương trình liên quan cho một số nước như Libya và Nam Phi. Họ mới đây cũng tham gia vào việc giám sát Iran thực hiện Thỏa thuận hạt nhân 2015. Nói tóm lại, họ đã sẵn sàng nếu Triều Tiên cho phép họ thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trước khi đưa ra những chi tiết cụ thể của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai, các chuyên gia của cả Mỹ và Triều Tiên cần tiến hành các cuộc thảo luận ở mọi cấp độ để thống nhất nội dung những thỏa thuận sẽ được đưa ra tại cuộc gặp sắp tới.

Một tuyên bố nếu chỉ có giá trị trên giấy sẽ chỉ giúp chính quyền Kim Jong-un có thời gian để sản xuất thêm nhiều vũ khí hạt nhân mà thôi.

Ông Trump hoàn toàn có lý khi nói rằng Kim Jong-un đang mong chờ cuộc "tái ngộ." Ông Kim Jong-un có lý do để tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần hai sẽ giúp ông ấy có được thứ mình muốn trong khi Triều Tiên vẫn tiếp tục nỗ lực để khẳng định là một cường quốc hạt nhân. Nếu không có lý do thực sự nào để thay đổi cuộc chơi, hoàn toàn có thể nói rằng ông Kim Jong-un vẫn sẽ duy trì kế sách được cho là hiệu quả nhất "chơi đùa" với ông Trump trong khi vẫn phát triển vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục