Thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Nga Putin ở Belarus

Phong trào biểu tình ở Belarus diễn ra vào thời điểm khá khó xử đối với Điện Kremlin, khi tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Nga Vladimir Putin lao dốc nghiêm trọng.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Nga Putin ở Belarus ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đặt hoa tưởng niệm các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô. (Nguồn: tellerreport.com)

Theo hãng AFP, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bùng nổ ở Belarus, đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tình thế tiến thoái lưỡng nan đầy bất ngờ trong bối cảnh nhân vật quyền lực của Điện Kremlin này đang thận trọng cân nhắc các lựa chọn tại một thời điểm khá nhạy cảm đối với Nga.

Ông Putin đang có trong tay một số lựa chọn mang tính chiến thuật. Mặc dù ông không loại trừ việc sử dụng vũ lực - lặp lại kịch bản Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông của Ukraine - song đó sẽ là biện pháp cuối cùng mà nhà lãnh đạo Nga tính đến.

Phong trào biểu tình ở Belarus diễn ra vào thời điểm khá khó xử đối với Điện Kremlin, khi tỷ lệ tín nhiệm của ông Putin lao dốc nghiêm trọng. Gustav Gressel, chuyên gia kỳ cựu về chính sách của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, bình luận: "Đến giờ, người Nga vẫn chưa biết họ phải phản ứng ra sao trước tình hình ở Belarus."

Ông cho rằng tình hình hiện nay khá nan giải đối với Tổng thống Nga Putin bởi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không phải là một nhân vật được Điện Kremlin ưa thích, còn Nga cũng không phải là một "đối tượng bị căm ghét" ở Belarus - điều hoàn toàn khác với hình ảnh của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, phong trào biểu tình ở Belarus khá phức tạp, không có một nhà lãnh đạo rõ ràng. Bà Svetlana Tikhanovskaya, đã thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua ở Belarus, hiện sống lưu vong ở Litva và đang tìm cách tập hợp các nhóm khác nhau, từ người công nhân nhà máy đến những người trẻ tuổi thông thạo công nghệ.

Chuyên gia Gressel nói thêm: "Tôi cho rằng họ đang tìm cách xử lý vấn đề.... Việc 'hất cẳng' Tổng thống Belarus Lukashenko sẽ không khiến Điện Kremlin bị mất thể diện; ông ta không còn là người đại diện cho mối quan hệ hữu nghị Nga-Belarus nữa."

[Tổng thống Nga, Belarus khai trương đài tưởng niệm người lính Liên Xô]

Giới phân tích cảnh báo rằng chớ nên so sánh tình hình ở Belarus hiện nay với tình hình ở Ukraine trước kia bởi Belarus hoàn toàn khác so với quốc gia láng giềng phía nam (Ukraine).

Ukraine là nước có khuynh hướng thân phương Tây kể từ cuộc biến động năm 2014. Trong khi đó, tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ chính của hầu hết các vùng miền ở Belarus, thái độ của Belarus đối với Moskva cũng tích cực hơn và cả Belarus lẫn Nga cùng có chung quyết tâm tôn vinh ý chí anh hùng của các binh lính Liên Xô trước đây trong Chiến tranh Thế giới II - một cuộc xung đột đã cướp đi mạng sống của ước tính 1/4 dân số Belarus.

Anna Maria Dyner, nhà phân tích làm việc tại Viện Các vấn đề quốc tế của Ba Lan (PISM), nhận định: "Nga đang hành động rất thận trọng. Các cuộc biểu tình ở Belarus không mang tính chống Nga, và xã hội Belarus cũng không mang tâm lý chống Nga. Nga không muốn thay đổi điều này."

Bà cho rằng nếu một xuất hiện một nhân vật mới có khả năng duy trì sự hòa hợp chính trị của Belarus với Nga và liên minh an ninh khu vực CSTO thì Nga có lẽ sẽ ủng hộ nhân vật đó. Bà nói: "Nga không muốn can dự quân sự vào Belarus," và ông Putin có lẽ cũng đã "chán ngấy" ông Lukashenko.

Tuy nhiên, bà nói thêm: "Tôi chắc chắn rằng Nga đã chuẩn bị sẵn mọi kịch bản, kể cả kịch bản quân sự, cho dù kịch bản này sẽ khiến Nga thiệt hại nhiều nhất."

Tổng thống Belarus Lukashenko và Tổng thống Nga Putin đã liên tục điện đàm trong tuần trước. Nhà lãnh đạo Belarus khẳng định rằng Tổng thống Putin đã đề nghị hỗ trợ toàn diện (cho ông) để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, Nigel Gould-Davies, cựu đại sứ Anh tại Belarus và cũng là thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng ông Putin "có một mối quan hệ kinh hoàng" với ông Lukashenko.

Ông nói: "Họ (người Nga) không còn hòa hợp với ông Lukashenko, thực tế là như vậy", đồng thời nhận định thêm rằng Moskva "không hề thụ động chút nào."

Stephen Sestanovich, thành viên kỳ cựu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Washington, cho rằng Moskva có mối quan hệ tốt với giới tinh hoa ở Belarus, và đổi lại, giới tinh hoa ở Belarus cũng được lợi từ mối quan hệ tốt với Nga.

Ông nói: "Những mối quan hệ tốt với giới tinh hoa Belarus cũng như thái độ thiện chí đối với họ đã mang đến cho Tổng thống Nga Putin nhiều lựa chọn để thúc đẩy một tiến trình tách khỏi Tổng thống Belarus Lukashenko."

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin sẽ không muốn chứng kiến một cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Belarus Lukashenko tại một thời điểm mà ông cũng đang phải hứng chịu các cuộc biểu tình chống Điện Kremlin ở thành phố Khabarovsk, thuộc vùng Viễn Đông Nga. Katia Glod, làm việc tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), nói với hãng tin AFP: "Rõ ràng, một cuộc nổi dậy của dân chúng ở Belarus không phải là điều mà ông Vladimir Putin muốn chứng kiến bởi nó sẽ tác động tiêu cực đến Nga"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục