Thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh năng lượng của Singapore

Vấn đề nan giải của Singapore là làm thế nào để giảm lượng khí thải carbon, trong khi duy trì, hoặc tốt hơn nữa là cải thiện an ninh năng lượng, mà không làm tăng chi phí điện năng.
Thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh năng lượng của Singapore ảnh 1Trang trại điện Mặt Trời lớn nhất Australia. (Nguồn: abc.net.au)

Trong bài viết đăng trên trang Diễn đàn Đông Á, nhà phân tích năng lượng độc lập Anthony David Owen của Australia đã đưa ra nhận định về triển vọng dự án Liên kết Điện Australia-ASEAN và xu hướng phát triển lĩnh vực điện của Singapore.

Dự án Liên kết Điện Australia-ASEAN (AAPL), trị giá khoảng 16 tỷ USD, dự kiến sẽ kết nối trang trại quang điện Mặt Trời (PV) 10GW và một cơ sở lưu trữ năng lượng 30GWh, nằm ở Bắc Australia với Singapore.

Dự án này sẽ được thực hiện thông qua một hệ thống truyền tải điện năng cao áp một chiều (HVDC) dài 4.500km, trong đó 3.750km sẽ là cáp ngầm xuyên biển.

Dự án sẽ là “điểm nhấn” trên trường quốc tế nhờ những kỷ lục về một trang trại điện Mặt Trời lớn nhất thế giới, cơ sở lưu trữ năng lượng lớn nhất thế giới và một trong những tuyến cáp ngầm HVDC dài nhất thế giới.

[Lực kéo trong ngành năng lượng của khu vực ASEAN]

Công ty năng lượng Sun Cable có trụ sở tại Singapore sẽ là chủ sở hữu và đồng thời là nhà phát triển của dự án này.

Công ty hy vọng dự án sẽ chuyển đổi lượng năng lượng tái tạo đáng kể từ Bắc Australia thành điện năng và xuất khẩu chúng sang Singapore với giá trị ước tính đạt 1,4 tỷ USD mỗi năm vào cuối năm 2027.

Dự án này cũng góp phần kết nối Australia với hệ thống lưới điện ASEAN đầy tiềm năng.

Chính quyền Bắc Australia đã đưa AAPL vào danh mục dự án lớn từ tháng 6/2019 và AAPL được Chính phủ Australia chấp thuận vào tháng 7/2020.

Mặc dù dự án được phía Australia “rộng cửa” chào đón, nhưng về phía Singapore, dường như sự quan tâm chỉ ở mức độ tương đối “lặng lẽ.”

Cơ quan điều tiết thị trường năng lượng Singapore (EMA) đã tỏ ra không mấy “mặn mà” với dự án.

Singapore đang tìm cách khai thác các mạng lưới điện trong khu vực cho kế hoạch năng lượng xanh hơn, bên cạnh việc mở rộng các cơ hội phát triển điện Mặt Trời trong nước.

Singapore đặt ra yêu cầu là tất cả các lựa chọn đều phải được tính toán cân bằng với nguy cơ tiềm ẩn về chi phí điện tăng cao cũng như những rủi ro về an ninh năng lượng.

Hiện tại, 95% điện năng của Singapore được cung cấp bởi các nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt, 3% từ nguồn chất thải đô thị, sinh khối và năng lượng Mặt Trời, phần còn lại đến từ nhiên liệu hoá thạch.

Mặc dù vẫn còn dư địa để phủ xanh nguồn phát điện hỗn hợp này, Singapore không đủ tài nguyên gió và thiếu các quỹ đất cần thiết để lắp đặt các trang trại điện Mặt Trời quy mô lớn.

Điều này làm hạn chế các lựa chọn trong nước và mở rộng cơ hội cho các dự án quốc tế.

Do đó, đề xuất của Sun Cable dường như có triển vọng thành công lớn, mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhất định, đó là sự "ám ảnh" kéo dài của Singapore về vấn đề an ninh năng lượng.

Singapore không có nguồn tài nguyên hóa thạch nội địa, toàn bộ khí đốt mà quốc gia này sử dụng được nhập khẩu thông qua các đường ống dẫn khí từ Malaysia và Indonesia, hoặc dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Nhập khẩu LNG tại Singapore bắt đầu từ năm 2013 và dự kiến sẽ trở thành nguồn khí đốt nhập khẩu duy nhất tại thị trường này vào năm 2027.

Từ góc độ an ninh năng lượng, đây là một cải tiến đáng mong đợi, do thị trường LNG toàn cầu hiện linh hoạt hơn so với khí đốt truyền tải qua đường ống. Tuy nhiên, LNG không giúp làm giảm lượng khí thải carbon của ngành điện.

Vì vậy, vấn đề nan giải của Singapore là làm thế nào để giảm lượng khí thải carbon, trong khi duy trì, hoặc tốt hơn nữa là cải thiện an ninh năng lượng, mà không làm tăng chi phí điện năng.

Không thiếu các dự án năng lượng tái tạo “xanh” ở các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam đều có nguồn năng lượng thủy điện vượt quá nhu cầu trong nước trong tương lai gần.

Đã có sáng kiến thành lập một dự án kết nối điện đa phương đầu tiên trong ASEAN, đó là dự án tích hợp điện Lào-Thái Lan-Malaysia, liên quan tới thương mại xuyên biên giới từ Lào đến Singapore, thông qua các tuyến kết nối hiện có giữa Thái Lan và Malaysia.

Ba quốc gia này đã ký một Biên bản Thỏa thuận vào năm 2016, nhưng Singapore cho thấy, và tiếp tục thể hiện, sự ít quan tâm, có lẽ là do lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng với việc điện năng sẽ phải truyền tải qua biên giới ba nước.

Câu hỏi quan trọng là liệu Sun Cable có thể bảo đảm an ninh năng lượng đáng tin cậy tương tự như với LNG, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu xanh hóa ngành điện của Singapore mà không làm tăng giá hay không?

Một yếu tố phức tạp nữa là Singapore hiện có công suất phát điện vượt 40% so với nhu cầu trong khi nhu cầu điện dự kiến tăng trưởng thấp.

Thị trường Điện Quốc gia của Singapore là thị trường chỉ tính năng lượng theo thời gian thực, gần giống với Thị trường Điện Quốc gia Australia.

Ít nhất về mặt lý thuyết, các nhà máy phát điện đặt giá thầu dựa trên chi phí cận biên ngắn hạn (SRMC), một quy trình thuận lợi cho việc điều độ các cơ sở phát điện tái tạo, như Sun Cable, có SRMC thấp hơn nhiều so với các nhà cung cấp hiện có.

Ngoài ra, dự án của Sun Cable có thể được cấp quyền tiếp cận hạn chế vào thị trường điện của Singapore theo các điều khoản hợp đồng được thu xếp trước theo các hợp đồng mua bán điện khống chế (vesting contracts).

Các hợp đồng này thỏa thuận trước một lượng điện ở một mức giá cụ thể, qua đó ngăn cản việc các công ty phát điện từ chối nguồn cung để tăng giá giao ngay trên thị trường bán buôn.

Theo cả hai kịch bản, Sun Cable sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh giữa các cơ sở phát điện chạy bằng khí đốt không được trợ giá ở Singapore, tất cả đều có ảnh hưởng chính trị đáng kể.

Tuy nhiên, cả hai kịch bản được cho là sẽ tăng cường an ninh ngành điện của Singapore, đặc biệt là khi so sánh với các lựa chọn hiện tại và tương lai.

Đặt thị trường tiềm năng của Sun Cable trong bối cảnh rộng lớn hơn của ASEAN sẽ thấy một loạt các trở ngại đã làm trì hoãn quá trình hội nhập ngành điện ở các nước ASEAN trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Các quốc gia thành viên ASEAN rất khác nhau về quy mô, tình hình, mức độ phát triển kinh tế và nguồn năng lượng quốc gia. Các nước này cũng khác nhau đáng kể về các quy định của ngành điện, cấu trúc thị trường và đặc điểm kỹ thuật.

Những khác biệt này tạo ra rào cản cho tiến trình hợp tác và thương mại năng lượng khu vực hiệu quả. Mối quan tâm về an ninh năng lượng cũng khiến các quốc gia đặt trọng tâm vào khả năng tự cung cấp hơn là hợp tác.

Các kế hoạch phát triển điện lực quốc gia ở hầu hết các nước ASEAN đều ưu tiên nguồn phát điện trong nước.

Trong nỗ lực xuất khẩu điện Mặt Trời sang Singapore và một cộng đồng ASEAN rộng lớn hơn, trở ngại phi kỹ thuật chính mà Sun Cable phải đối mặt là mối quan tâm lớn của các quốc gia thành viên ASEAN đối với vấn đề an ninh và nguồn cung cấp điện.

Trên hết, áp lực liên tục đối với Singapore trong việc giảm lượng khí thải carbon thông qua Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể là chất xúc tác cho triển vọng tích hợp ngành điện nhiều hơn và cho thành công của Sun Cable./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục