Thêm 1 lần vinh danh hệ thống bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu chính thức được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới khiến người Việt Nam tự hào và quốc tế chú ý.
Thông tin về hệ thống Bia tiến sĩ của các triều đại Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) dựng tại Văn Miếu đã chính thức được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã khơi gợi niềm tự hào trong lòng người dân Việt Nam và thu hút được sự quan tâm của bạn bè quốc tế.
Tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thì tới tuần cuối tháng 5/2011 này niềm vui lại đến với chúng ta khi 82 tấm bia tiếp tục được vinh danh, tỏa sáng.
Trong cuộc trao đổi cùng phóng viên Vietnam+, Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc-Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho biết năm 2010, tại Ma Cao, trong 14 hồ sơ thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia trình đề nghị công nhận thuộc chương trình  "Ký ức thế giới" có hồ sơ về 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, và trong 11 hồ sơ được công nhận  có hệ thống bia vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc của việt Nam. Theo ông Ngọc: "Năm 2010, Hà Nội tổ chức Đại lễ ngàn năm Thăng long nên việc được công nhận mở đầu (trước Lễ hội Gióng, trước Hoàng Thành Thăng Long) đã đem tới niềm vui khôn tả cho người dân Hà Nội và người dân cả nước. Đúng dịp Đại lễ nên công tác tuyên truyền làm rất tốt và nhiều người nhớ rằng 82 tấm bia đã được thế giới công nhận. Lần này lại nghe được công nhận thì ngỡ ngàng." "Bởi vậy, khi được UNESCO vinh danh, nhiều người chưa hiểu rõ rằng lần trước là vinh danh tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương còn lần này là toàn thế giới. Sau khi được công nhận ở khu vực Châu Á Thái bình Dương tháng 3 năm ngoái, chúng tôi đã được thông báo là nếu muốn tham gia vào việc được xét công nhận ở cấp toàn thế giới thì cần nâng cấp hồ sơ," ông Ngọc giải thích. Ông Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn cho biết rõ: "Chúng tôi đã cùng những người có trách nhiệm bắt tay đã bổ sung hồ sơ đầy đủ và hoàn hảo hơn rồi chuyển hồ sơ sang Pháp để chuẩn bị tham dự. Và kết quả là trong 85 hồ sơ tham gia thì hồ sơ của chúng ta đã nằm trong 40 hồ sơ được tổ chức UNESCO toàn cầu công nhận." Được biết, sở dĩ 82 tấm bia ở Văn Miếu có được sự đồng thuận trong xét duyệt bình chọn  chính là vì sự độc đáo của hệ thống bia này. Các chuyện gia quốc tế đã rất thích thú, thán phục khi  họ biết rõ rằng trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi. Khi được hỏi về niềm vui lúc được nhận bằng công nhận của UNESCO thì ông Ngọc cười nói: "Đại diện của phía Việt Nam chưa kịp hoàn thành thủ tục cho chuyến đi để có mặt. Thế nên lúc vinh danh lại không có người đại diện của Hà Nội cũng như của Văn Miếu chứng kiến. Bằng công nhận đã được trao cho đại diện tổ chức UNESCO Việt Nam." Ông Ngọc cũng chia sẻ thêm rằng khi nào được phép của lãnh đạo Thành phố Hà Nội thì Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ tổ chức thật trang trọng Lễ đón nhận bằng công nhận từ tổ chức UNESCO Việt Nam. Về việc tiến hành bảo vệ các tấm bia quý đó, Tiến sĩ Ngọc nói: "Từ dịp Tết Tân Mão 2011 đến nay, chúng tôi có một biện pháp bảo vệ khá hiệu quả. Đó là trải thảm đỏ và luôn thay thảm mới trước các tấm bia. Có dải nhung nối trên các cột ta-luy thấp để ngăn khách đến thăm bước vào gần bia. Bên cạnh đó là những chỉ dẫn, giới thiệu trang trọng. Chính hình thức bảo vệ này đã làm cho người có ý thức tự tránh không bước lên thảm và ai xâm phạm sẽ trở nên lộ liễu, dễ nhắc nhở."/.
Theo trang web chính thức của UNESCO, hệ thống Bia tiến sĩ nằm trong số các tư liệu và các bộ sưu tập tư liệu mới, được Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova ngày 25/5 phê duyệt vào danh sách theo đề nghị của Ủy ban cố vấn quốc tế thuộc Ủy ban Ký ức Thế giới.

Tổng Giám đốc UNESCO cho biết, bằng việc giúp bảo vệ và chia sẻ các di sản tư liệu quý báu này, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO cổ vũ sự uyên bác và sự thưởng thức sức sáng tạo phong phú cũng như sự đa dạng của các nền văn hóa và các xã hội con người.


Cho đến nay, 238 di sản tư liệu của các nước trên thế giới đã được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới của UNESCO. Các di sản được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới rất đa dạng bao gồm các di sản bằng đá, chất dẻo, da động vật, băng audio.


UNESCO phát động Chương trình Ký ức Thế giới năm 1992 nhằm phòng ngừa nguy cơ những di sản tư liệu vô giá của nhân loại bị rơi vào lãng quên, khuyến khích các nước sở hữu bảo quản tốt hơn và giúp quảng bá rộng rãi hơn giá trị của các di sản này trên toàn cầu. 
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục