Thêm 10 quan chức giao thông phải giải trình

Thêm 10 quan chức ngành giao thông phải giải trình nghi án hối lộ

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu hơn 10 quan chức ngành phải làm báo cáo giải trình liên quan đến nghi án hối lộ 80 triệu yen của đường sắt.
Thêm 10 quan chức ngành giao thông phải giải trình nghi án hối lộ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 26/3, Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn số 3222/BGTVT-TCCB yêu cầu các cán bộ, công chức thuộc diện Bộ quản lý làm báo cáo liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1 sau nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen.

Tại Công văn này, Bộ Giao thông Vận tải lên danh sách tổng số có 10 cán bộ phải làm báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong đó có 7 người đang đương chức, 3 người đã nghỉ hưu.

Đáng chú ý, ông Lê Mạnh Hùng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, người từng phụ trách lĩnh vực đường sắt khi còn đương chức, cũng nằm trong danh sách các cán bộ làm báo cáo.

Trước đó, đã có 4 cán bộ thuộc Cục Đường sắt và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải tạm dừng công việc để làm giải trình về trách nhiệm cá nhân trong vụ việc này.

Đề cập đến việc nhiều cá nhân của ngành đường sắt bị tạm đình chỉ chức vụ đều cam kết và một mực khẳng định không nhận bất cứ đồng nào từ phía nhà thầu JTC của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quan điểm của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất là phải xử lý nghiêm, bất kỳ ai nếu vi phạm dù ở kỳ cương vị hay chức vụ nào, đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Bộ trong việc xử lý vụ việc.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát tất cả các cán bộ đã tham gia vào dự án từ quá trình năm 2008 đến nay, kể cả những cán bộ đã chuyển công tác sang cơ quan khác cũng như cán bộ đã nghỉ hưu mà có liên quan đến dự án. Những người này đều phải làm tường trình trong thời gian 1 tuần (từ 24-31/3),” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Trong khi đó, chiều 25/3, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập 2 đoàn thanh tra đột xuất công tác tổ chức, quản lý, thực hiện dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) và một số dự án của Tổng Công ty đường sắt Việt nam làm chủ đầu tư có Công ty JTC thực hiện.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Giao thông cũng tiến hành thanh tra công tác tổ chức, quản lý, thực hiện các tiểu dự án xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long-Cái Lân, Lim-Phả Lại, Phả Lại-Hạ Long do Cục đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dưới đây là danh sách các cán bộ, công chức được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu làm báo cáo.

Những cán bộ, công chức đang công tác gồm:

1. Ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông).

2. Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông).

3. Bà Nguyễn Minh Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.

4. Ông Lê Quyết Tiến, Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.

5. Ông Phan Hữu Biên, Chuyên viên Phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.

6. Ông Vũ Nam Nguyên, chuyên viên chính Vụ Kế hoạch - Đầu tư.

7. Ông Triệu Khắc Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông).

Những người đã nghỉ hưu gồm:

1. Ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

3. Ông Hà Khắc Hảo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục