Thêm 2 nước phê chuẩn cấm thử vũ khí hạt nhân

Cộng hòa Trung Phi và Trinidad and Tobago phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT), đưa số nước phê chuẩn lên 153.
Tại Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP), ngày 26/5, Liên hợp quốc cho biết có thêm hai nước là Cộng hòa Trung Phi và Trinidad and Tobago phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT), đưa tổng số nước đã phê chuẩn lên con số 153.

CTBT được đưa ra ký kết năm 1996 và cho đến nay đã có 182 nước tham gia ký. Mặc dù đã có 153 nước phê chuẩn, nhưng mới chỉ có 35 trong số 44 nước đã phê chuẩn. Chín nước còn lại thuộc diện này chưa phê chuẩn CTBT là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Israel, Triều Tiên, Ai Cập và Indonesia. Trong đó, ngày 3/5, Indonesia thông báo đã bắt đầu quy trình để phê chuẩn hiệp ước này.

Ngày 26/5, ông Tibor Tóth, Thư ký quản trị Ủy ban soạn thảo cho Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO), cho rằng sự kiện có thêm hai nước phê chuẩn CTBT sẽ giúp CTBT tiến gần hơn đến việc được phê chuẩn trên toàn cầu.

Ông cũng cho rằng CTBT, không phân biệt các nước có hay không có vũ khí hạt nhân, giúp xây cầu nối giữa không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân. Việc cam kết thực hiện CTBT cũng giúp xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Cùng ngày, Chính phủ Anh đã lần đầu tiên công khai số lượng kho vũ khí hạt nhân của nước này. Giới chức Anh cho biết, họ hiện có 225 đầu đạn hạt nhân. Đây được xem như một động thái khuyến khích CTBT. Trước đó, Mỹ cũng đã công khai số lượng đầu đạn hạt nhân có trong kho hiện có là 5.113.

Hội nghị kiểm điểm thực hiện NPT diễn ra từ ngày 3-28/5, với sự tham dự của hơn 100 quốc gia nhằm tăng cường chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và cải thiện tình trạng an ninh và an toàn vật liệu hạt nhân cũng như các cơ sở liên quan.

Hội nghị lần này đã có bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng các cuộc thảo luận sau đó đã bị chững lại trong vấn đề thực hiện khu vực phi vũ khí hạt nhân tại Trung Đông và một thời khóa biểu rõ ràng cho việc giải giáp vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục