Trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2016, sẽ có thêm 5 trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh, bao gồm: Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Thủ đô, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.
Ngày 25/2, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết căn cứ vào tình hình thực tế cùng nguyện vọng của một số trường đại học khác, năm 2016 có thêm 5 trường cùng sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để phục vụ cho công tác tuyển sinh. Đây là các trường đã hỗ trợ Đại học Quốc gia Hà Nội trong công tác tổ chức thi bằng bài thi đánh giá năng lực năm 2015.
Năm nay, các trường này sẽ cùng tham gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với Đại học Quốc gia Hà Nội để sử dụng chung kết quả. Tuy số lượng trường sử dụng hình thức thi này chưa nhiều nhưng cũng chứng tỏ việc áp dụng phương thức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được mở rộng, có sự chia sẻ, hợp tác với các trường bên ngoài. Điều này cũng cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao của các trường cũng như học sinh và xã hội về ưu điểm của phương thức thi mới này.
Năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng. Kỳ thi dự kiến diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 được tổ chức từ ngày 5-8/5 và từ ngày 13-15/5. Đợt 2 diễn ra từ ngày 5-15/8. Hai đợt xét tuyển dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 và cuối tháng 8.
Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu áp dụng phương thức tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2015. Kỳ thi đánh giá này đã thu hút hơn 40.000 thí sinh tham gia, được xã hội đánh giá cao về sự tiến bộ và tính đột phá trong phương thức kiểm tra, đánh giá.
Các thí sinh chỉ làm duy nhất một bài thi tổng hợp gồm 140 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn trên máy tính, thời gian làm bài là 195 phút.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ từ thực tế tổ chức kỳ thi năm 2015 cho thấy các thí sinh ở thành phố hay nông thôn đều có thể thích ứng với việc làm bài thi trên máy tính. Hầu như không có thí sinh nào gặp khó khăn với hình thức này. Các thí sinh có thể vào trang thông tin điện tử của Đại học Quốc gia Hà Nội để làm quen với bài thi mẫu.
Với bài thi này, Đại học Quốc gia Hà Nội muốn đánh giá năng lực người học toàn diện, dựa trên nền tảng là các kiến thức cơ bản ở bậc học phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Kết quả thi năm 2015 cho thấy, những học sinh giỏi, có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia cao thì đồng thời có kết quả cao trong bài thi đánh giá năng lực.
Cùng với việc tuyển sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực, 5 trường đại học trên còn áp dụng đồng thời một số phương thức xét tuyển khác như dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, xét tuyển dựa trên điểm tổ hợp một số môn theo ngành học và kết quả học tập bậc Trung học phổ thông...
Việc 5 trường đại học sử dụng kết quả bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy đã có sự kiên kết và chia sẻ chung nguồn lực của các trường đại học, qua đó làm giảm bớt sự phiền hà, tăng thuận lợi cho thí sinh và giảm tốn kém chung cho xã hội.
Bài thi đánh gia năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vì thế bước đầu chứng tỏ đáp ứng được mục tiêu của việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết số 29 NQ/TW của Đảng đã đề ra trong thực tế./.