Thêm ba ngân hàng khu vực ở Mỹ đóng cửa

Thêm ba ngân hàng khu vực của Mỹ đã phải đóng cửa trong ngày làm việc cuối cùng của tuần vừa qua, đưa số ngân hàng phải ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay lên 20 ngân hàng.

Thêm ba ngân hàng khu vực của Mỹ đã phải đóng cửa trong ngày làm việc cuối cùng của tuần vừa qua, đưa số ngân hàng phải ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay lên 20 ngân hàng.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ vừa ra thông báo ngân hàng FirstCity Bank có trụ sở chính tại bang Georgia, ngân hàng TeamBank National Association of Paola có trụ sở chính tại bang Kansas, và ngân hàng National Bank of Colorado Springs có trụ sở chính tại bang Colorado đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động từ ngày 20/3.

FDIC ước tính số tiền bảo hiểm mà họ phải trả cho khách hàng của các ngân hàng này lên tới hơn 200 triệu USD.

Thông báo của FDIC cho biết đến ngày 18/3, ngân hàng FirstCity Bank có tổng tài sản trị giá 297 triệu USD và tổng số tiền gửi là 278 triệu. FDIC cũng cho biết họ chưa tìm được ngân hàng nào sẵn sàng mua lại FirstCity Bank vì tài sản của ngân hàng này không hấp dẫn người mua. FDIC ước tính riêng việc ngân hàng FirstCity Bank ngừng hoạt động sẽ buộc họ phải chi số tiền bảo hiểm lên tới khoảng 100 triệu USD.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2008, Teambank có tổng tài sản trị giá 669,8 triệu USD và tổng số tiền gửi là 492,8 triệu USD. FDIC đồng ý mua toàn bộ tài sản của TeamBank với giá 569,9 triệu USD, giảm 100 triệu USD, và ngân hàng Great Southern Bank of Springfield tại bang Montara sẽ mua lại toàn bộ tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng Teambank với giá 474 triệu USD.

Còn Herring Bank of Amarillo sẽ mua lại toàn bộ tài sản của ngân hàng National Bank of Colorado Springs với giá 117,3 USD, giảm 6,2 triệu USD so với giá trị tài sản mà FDIC tính và họ chỉ mua 4,2 triệu USD trong số 82,7 triệu USD tiền gửi tại National Bank of Colorado Springs, số tiền gửi còn lại sẽ do FDIC nắm giữ.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù có sự giúp đỡ của chính phủ thông qua Chương trình Giải cứu Tài sản có Vấn đề (TARP) trị giá 700 tỷ USD, các ngân hàng vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tài sản dựa vào thế chấp, dẫn tới nhiều ngân hàng phải đóng cửa, phần lớn là các ngân hàng khu vực, có quy mô nhỏ.

Bà Sheila Bair, Chủ tịch của FDIC, cho biết trong năm 2008 có 25 ngân hàng phải đóng cửa và trong vòng 5 năm tới, FDIC có thể phải chi tới 65 tỷ USD tiền bảo hiểm cho các ngân hàng làm ăn thua lỗ phải ngừng hoạt động.

Cũng vào cuối tuần trước, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang của Mỹ, ông Ben Bernanke, thừa nhận: "Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là phải để các ngân hàng khu vực làm ăn không hiệu quả sụp đổ", trong khi tiếp tục bảo vệ quan điểm của ông về việc chỉ phân phối các khoản tiền cứu trợ cho các công ty tài chính lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục