Thêm cơ hội để phát triển đô thị miền núi phía Bắc

Chương trình đô thị miền núi phía Bắc do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, điều phối hướng dẫn các địa phương chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án.

Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc cải thiện diện mạo đô thị.
Chương trình đô thị miền núi phía Bắc do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, điều phối hướng dẫn các địa phương chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án.

Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc cải thiện diện mạo đô thị.

Đặc biệt, chính quyền đô thị giữ vai trò rất quan trọng, góp phần bảo đảm tính bền vững cho tiểu dự án.

Thêm cơ hội phát triển

Bộ Xây dựng cho biết Chương trình đô thị miền núi phía Bắc được vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã thu hút sự tham gia của 7 tỉnh gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang và Yên Bái, với tổng nguồn vốn vay khoảng 250 triệu USD.

Mục tiêu của Chương trình là cung cấp kinh phí cho địa phương đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng với thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2014 đến năm 2020.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Quốc Thái chỉ rõ trong Chương trình này, Bộ Xây dựng chỉ đóng vai trò cơ quan điều phối, chịu trách nhiệm hướng dẫn thiết kế toàn bộ nội dung, hỗ trợ nâng cao năng lực và kỹ thuật cho các tiểu dự án.

Như vậy, Bộ Xây dựng sẽ là cầu nối giữa WB, nhà tài trợ, các bộ, ngành với địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình chứ không làm thay vai trò của địa phương. Thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư các hạng mục trên địa bàn vẫn thuộc về chính quyền địa phương.

Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đoàn công tác của Bộ Xây dựng ghi nhận quyết tâm cao của Ủy ban Nhân dân các tỉnh - chủ quản tiểu dự án, cũng như của Ủy ban Nhân dân các thành phố, thị xã - chủ đầu tư tiểu dự án.

Các địa phương đều rất khẩn trương đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho tiểu dự án. Cụ thể, dự án tại thành phố Hòa Bình dự kiến vay số vốn 29,87 triệu USD; tiểu dự án thành phố Thái Nguyên khoảng 61,1 triệu USD và tiểu dự án thị xã Bắc Kạn là gần 22,6 triệu USD.

Hiện cả 3 tỉnh này đều đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban Chuẩn bị tiểu dự án để triển khai thực hiện tiểu dự án hỗ trợ kỹ thuật. Các đô thị cũng đã hoàn thiện đề cương chi tiết của tiểu dự án đồng thời rà soát và đăng ký danh mục các hạng mục đầu tư, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 10.

Nắm bắt các cơ hội để phát triển đô thị miền núi phía Bắc, ông Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình khẳng định Hòa Bình đặc biệt ưu tiên bố trí vốn đối ứng để bảo đảm triển khai Chương trình đúng tiến độ; ưu tiên đưa vào danh mục lựa chọn các cơ sở hạ tầng không vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhằm triển khai thuận tiện và nhanh tiểu dự án.

Giai đoạn đầu chỉ có 4 tỉnh là Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên được phê duyệt tham gia Chương trình (tháng 8/2011).

Cho đến tháng 8, Hòa Bình mới nằm trong nhóm 3 tỉnh (Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình) được Chính phủ chấp thuận mở rộng phạm vi chương trình nhưng đã thể hiện quyết tâm của mình thông qua việc bám đuổi, bắt kịp tiến độ của các địa phương đi trước.

Tiếp cận phương thức đầu tư mới

Mặc dù Chương trình đô thị miền núi mở ra nhiều cơ hội cải thiện diện mạo đô thị cho các địa phương vùng núi phía Bắc nhưng lại áp dụng những phương thức đầu tư mới chặt chẽ hơn, nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn.

Chính cách thức quản lý dòng tiền chặt chẽ này cũng đòi hỏi các địa phương khi tham gia phải thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.

Bộ Xây dựng khẳng định Chương trình đô thị miền núi có những đặc điểm và đặc thù quản lý riêng so với các dự án vay vốn ODA khác.

Tại chương trình này, WB cho vay ưu đãi không tính lãi, chỉ tính phí vay trong thời hạn 25 năm, ân hạn 5 năm. Tuy nhiên, dự án không dùng cách tiếp cận truyền thống mà sẽ áp dụng phương pháp tài trợ dựa trên kết quả và hiệu quả.

Theo đó, mỗi đô thị tham gia dự án sẽ được tạm ứng 25% tổng vốn vay toàn bộ tiểu dự án. Chỉ khi nào hạng mục được đầu tư xong theo đúng tiến độ, được kiểm tra là đạt chất lượng, đúng mục tiêu của Chương trình thì địa phương mới được giải ngân tiếp, không quá 75% tổng vốn.

Sau 2 năm được đưa vào sử dụng, hạng mục tiếp tục được giám sát, kiểm tra. Nếu hạng mục vẫn được xác định là duy trì chất lượng ban đầu, phát huy hiệu quả, chính quyền đô thị bố trí nhân sự quản lý, vận hành hạng mục có năng lực, đáp ứng yêu cầu thì 25% vốn vay còn lại mới được giải ngân.

Phương thức đầu tư mới, cách thức quản lý dòng tiền khắt khe hơn nhiều, bởi vậy, ông Trần Quốc Thái cho rằng ngay từ đầu, các địa phương cần lựa chọn kỹ danh mục đầu tư.

Các hạng mục lựa chọn nên nằm trong quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt và phải khả thi, thuận lợi trong giải phóng mặt bằng.

Có như vậy thì việc triển khai tiểu dự án mới không bị điều chỉnh, bảo đảm đúng tiến độ, bảo đảm kết nối hạng mục đầu tư bằng vốn WB với hệ thống hạ tầng của địa phương.

Trên thực tế, các địa phương cũng có thuận lợi bởi Chương trình chỉ đưa ra định hướng chứ không ấn định danh mục đầu tư.

Chủ quản và chủ đầu tư tiểu dự án sẽ trực tiếp xác định danh mục lựa chọn trên cơ sở cân đối nguồn vốn được vay, mục tiêu Chương trình và mong muốn đầu tư của địa phương.

Nhóm hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Xây dựng và WB sẽ rà soát, đánh giá và khuyến nghị (nếu cần thiết) cho địa phương khi xem xét, cân nhắc lựa chọn danh mục đầu tư.

Tham gia Chương trình này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường cam kết chỉ đạo triển khai dự án đúng mục tiêu, đúng tiến độ.

Theo đó, tỉnh sẽ mạnh dạn đổi mới cách lựa chọn nhà thầu, quản lý dự án để tìm ra đơn vị thực sự giàu kinh nghiệm, đủ năng lực về tài chính, quản lý dự án giỏi. Cùng đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để nhân dân hiểu và tích cực hợp tác, ủng hộ.

Để triển khai Chương trình đô thị miền núi đạt hiệu quả cao, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các địa phương khẩn trương tiếp cận phương thức đầu tư mới của Chương trình.

Lãnh đạo các tỉnh cần quan tâm, quyết liệt chỉ đạo việc triển khai dự án đúng thời hạn, đúng mục tiêu và chủ động bố trí vốn đối ứng, huy động các nguồn lực khác để cùng tham gia, phát huy hiệu quả các hạng mục đầu tư bằng vốn vay WB.

Sau khi danh mục đầu tư được phê duyệt, các địa phương cần tiếp tục sắp xếp thứ tự ưu tiên, hạng mục nào làm trước, hạng mục nào làm sau, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, phù hợp với cách thức đi của dòng tiền…

Các địa phương nên chọn các hạng mục dự án nằm dưới sự quản lý của thành phố, thị xã để sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ chủ động được trong việc bố trí ngân sách hàng năm phục vụ công tác quản lý, bảo dưỡng, duy tu.

Trong Chương trình này, chính quyền đô thị giữ vai trò rất quan trọng và cần tập trung nâng cao năng lực quản lý nhằm bảo đảm tính bền vững cho tiểu dự án./.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục