Thêm một ca tử vong vì cúm A/H1N1 tại Mỹ

Nước Mỹ lại có thêm một nạn nhân cúm A/H1N1 nữa tử vong, là một phụ nữ sống tại bang Texas, nâng số bệnh nhân chết do virus cúm này ở Mỹ lên 2 người trong tổng số hơn 400 trường hợp nhiễm bệnh tại 38 bang.

Nước Mỹ lại có thêm một nạn nhân cúm A/H1N1 nữa tử vong, là một phụ nữ sống tại bang Texas, nâng số bệnh nhân chết do virus cúm này ở Mỹ lên 2 người trong tổng số hơn 400 trường hợp nhiễm bệnh tại 38 bang.

Tuy nhiên, đây là công dân Mỹ đầu tiên tử vong vì virus A/H1N1. Nạn nhân tử vong trước đó là một cậu bé người Mexico tới Mỹ và là trường hợp đầu tiên tử vong do cúm A/H1N1 ở Mỹ.

Theo các quan chức y tế bang Texas, bệnh nhân trên tuy không phải từ Mexico trở về, nhưng người này sống ở Cameron, hạt nằm ở cực Nam của bang Texas, có đường biên giới giáp Mexico, nước bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch cúm A/H1N1.

Bệnh nhân này nằm viện 3 tuần sau khi mắc các triệu chứng cúm và đã tử vong ngày 4/5.

Trong khi đó, ngày 5/5, Bộ Y tế Guatemala khẳng định quốc gia Trung Mỹ này đã có một trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1 đầu tiên, nâng tổng số người xác định nhiễm virus cúm tại khu vực lên 11 người.

Bệnh nhân là một em gái 11 tuổi, được phát hiện tại sân bay quốc tế Guatemala City khi trở về từ Mexico. Bộ trưởng Y tế Guatemala Celso Cerezo cho biết tình trạng lâm sàng của cô bé rất tốt và hiện không nguy hiểm tới tính mạng.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, số bệnh nhân tử vong do nhiễm virus cúm A/H1N1 trên thế giới đã lên tới 31 người trong tổng số gần 1.500 người được xác định nhiễm loại virus này.

Trong đó, Mexico vẫn là nước có số nạn nhân cao nhất với 29 người tử vong và 822 người nhiễm. Mỹ là nước đứng thứ hai với 2 trường hợp tử vong và 403 trường hợp nhiễm. Hiện dịch cúm A/H1N1 đã có mặt tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Mặc dù dịch cúm A/H1N1 được ghi nhận có chiều hướng chậm lại trong vài ngày qua, với số ca nhiễm và nghi nhiễm trên toàn thế giới giảm, song, ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo các nước nằm ở Nam bán cầu, trong đó có Australia, có thể dễ bị tổn thương hơn trước dịch cúm này khi mùa Đông tới.

Phó Tổng giám đốc WHO, ông Keiji Fukuda cho rằng các nước phương Nam cần tăng cường những biện pháp tự bảo vệ trước sự lây lan của virus cúm A/H1N1. Theo ông Fukuda, dịch cúm sẽ lây lan xuống Nam bán cầu do khu vực này đang sắp trải qua các tháng mùa Đông và đây là thời kỳ các chủng virus cúm phát triển mạnh.

WHO cũng cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương dễ phải chịu tác động mạnh của dịch cúm A/H1N1 hơn các nước khác, dù cho đến nay vẫn chưa phát hiện ca nhiễm cúm nào ở khu vực này.

WHO cho biết các quốc đảo Thái Bình Dương nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi năm 1918, và bất cứ dịch bệnh gì bùng phát tại đây sẽ đều rơi vào tình trạng trầm trọng hơn do hệ thống y tế của các nước này kém phát triển.

Liên quan đến chiến dịch phòng chống cúm A/H1N1, WHO đã đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm và minh bạch của Chính phủ Mexico trong việc xử lý dịch cúm A/H1N1 bùng phát tại nước này, đồng thời nhấn mạnh những kinh nghiệm của Mexico sẽ được áp dụng trong cộng đồng quốc tế.

Ngày 5/5, Tổng thống Mexico, Felipe Calderon, đại diện của WHO tại Mexico, Philippe Lamy đã có buổi làm việc về vấn đề phòng chống cúm.

Tại buổi làm việc, Tổng thống Felipe Calderon nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì trao đổi thông tin liên quan đến những đặc tính của chủng virus mới này cũng như tiến triển của nó, đồng thời tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các tổ chức y tế quốc tế.

Ông Philippe Lamy cũng đã trao đổi ý kiến với Trưởng văn phòng y tế biên giới Mỹ/Mexico thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh của Mỹ và các chuyên gia y tế của Canada, về vấn đề chống cúm A/H1N1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục