Thêm trở ngại đối với thông qua Hiệp ước Lisbon

Trong khi đang "sa lầy" ở Ireland, Ba Lan và Czech, tiến trình thông qua Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế Liên minh châu Âu (EU) lại vấp phải một trở ngại khác ở Đức.

Trong khi đang "sa lầy" ở Ireland, Ba Lan và Czech, tiến trình thông qua Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế Liên minh châu Âu (EU) lại vấp phải một trở ngại khác ở Đức.

Tòa án Liên bang nước này đã quyết định dành 2 ngày, bắt đầu từ ngày 10/2, để xem xét đơn kiện của một thành viên phe bảo thủ và một nhóm nghị sĩ thuộc đảng cánh tả "Die Linke" trong Quốc hội cho rằng Hiệp ước Lisbon vi phạm nguyên tắc dân chủ, vì thế không phù hợp với Hiến pháp Đức.


Hiệp ước Lisbon đã được Quốc hội Đức thông qua và được Tổng thống nước này Horst Koehler ký phê chuẩn. Tuy nhiên, tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon ở Đức chỉ hoàn tất khi văn bản này được Đức chuyển tới Rome (Italy). Việc Tòa án Liên bang Đức dành tới 2 ngày để xem xét đơn kiện phản đối Hiệp ước Lisbon là một quyết định rất hiếm hoi, cho thấy tòa án thực sự coi trọng vụ kiện này.

Trong khi đó, sẽ phải mất 2 đến 3 tháng Tòa án Liên bang Đức mới ra phán quyết về vụ này, và cho dù các thẩm phán bác bỏ các đơn kiện trên thì một đơn kiện khác phản đối Hiệp ước Lisbon cũng đã được trình lên Tòa án Liên bang từ tháng giêng vừa qua. Như vậy, số phận Hiệp ước Lisbon đang bị "treo lơ lửng" ở Đức.

Hiệp ước Lisbon phải được tất cả 27 nước thành viên EU thông qua mới có hiệu lực. Ireland, nước duy nhất đưa Hiệp ước Lisbon ra trưng cầu ý dân, đã đồng ý tiến hành lại thủ tục này vào cuối năm nay sau các cuộc thương lượng tích cực với sự nhượng bộ từ phía EU về những vấn đề mà nước này lo ngại. Trước đó, cử tri Ireland đã nói "không" với Hiệp ước Lisbon trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2008.

Tại Ba Lan, Tổng thống nước này Lech Kaczynski tuyên bố chỉ ký phê chuẩn Hiệp ước Lisbon nếu cử tri Ireland tán thành văn bản này trong cuộc trưng cầu ý dân lần hai. Tổng thống Czech cũng tuyên bố sẽ trì hoãn việc ký phê chuẩn Hiệp ước Lisbon "cho đến khi nào có thể", ngay cả trong trường hợp Hạ viện Czech chấp thuận văn bản này trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 17/2 tới./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục