Thi Cao đẳng: Khối A dễ thở, khối C "nhăn" với Sử

Nhiều thí sinh nhận định, đề thi Cao đẳng năm nay vừa sức, không đánh đố mà xoáy thẳng vào những kiến thức đã được ôn luyện.
Tại các Hội đồng thi Cao đẳng ngày hôm nay (15/7), nhiều thí sinh nhận định, đề vừa sức, không đánh đố mà xoáy thẳng vào những kiến thức trọng tâm nằm trong chương trình các em đã được ôn luyện.

Khối A có tính phân loại thí sinh

Ngày hôm nay, các sĩ tử dự thi khối A, B đã thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn thành môn Toán, Lý với mức đề được đánh giá là đúng trọng tâm, sát với chương trình học và ôn tập lớp 12.

Tại điểm thi trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, thí sinh Nguyễn Thị Sinh (Hà Nội) cho biết: “So với đề Toán năm ngoái thì đề năm nay khó hơn. Tuy nhiên, đề khá sát với chương trình học ở lớp 12 nên các bạn dự thi có học lực trung bình khả năng đạt điểm trung bình sẽ rất cao.”

“Trong 10 câu đề thì câu thứ 5 giải phương trình là khó nhất, em không làm được. Tuy nhiên với 9/10 câu làm khá chỉnh chu, em tin em sẽ đạt được điểm 8,” Sinh thật thà nói.

Với môn Lý, nhiều sĩ tử cũng tỏ ra hài lòng vì kết quả làm bài của mình.

Nét mặt tươi tắn, thí sinh Nguyễn Huyền Trang (Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội), nhận định: “Đề vừa sức với từng lực học của thí sinh dự thi. Đề có 60 câu, em hoàn thành 50 câu phần cơ bản khá chắc chắn. Tuy nhiên, 10 câu phần nâng cao lại rất xương, em chưa được học và phải áp dụng nhiều công thức mới giải được.”

Trang cũng cho rằng, đề thi môn Vật lý sáng nay dễ. Các câu lý thuyết, bài tập trong đề bám sát chương trình học phổ thông, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, biết cách vận dụng các công thức thì sẽ hoàn thành tốt bài thi.

Đề Sinh: Cơ hội đạt điểm cao

Thí sinh Dương Thị Kim Dung dự, thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Đề Sinh cao đẳng tương đối dễ và sát với chương trình lớp 12. Với 60 câu đề, thí sinh làm 40 câu phần chung, và được chọn 10 câu ở một trong hai phần nâng cao và cơ bản.”  

“Với mức đề tương đối dễ và được lựa chọn một trong hai phần nâng cao và cơ bản theo năng lực nên khả năng đạt trên điểm trung bình sẽ rất cao. Ở môn này, em đã làm được 85%.” Dung lý giải. Chung nhận định trên, một thí sinh khác tại điểm thi này cũng cho rằng, đề thi dễ nên với các bạn trung bình cũng làm được 50-60%.

Đề Văn dễ, Sử khó

Với câu 3 điểm cho ý kiến về nhận định “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quy cho nghề nghiệp”, nhiều sĩ tử cho rằng, đề thi Ngữ Văn sáng nay đã quay về mô típ truyền thống.

Tuy nhiên, theo em Đỗ Thị Mai, quê Ninh Bình,  việc đạt điểm tối đa không hề dễ dàng. Với những dạng câu hỏi như vậy, có rất nhiều cách để sĩ tử triển khai vấn đề. Thế nhưng, dù làm theo cách nào, nếu bài viết khá ngắn, chỉ khoảng vài trăm chữ không bảo đảm kết cấu chặt chẽ và nêu đủ ý chính thì vẫn có thể bị đánh bay nửa số điểm.

Chung ý kiến này, Nguyễn Đức Tuấn, sĩ tử trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội cho rằng, câu nghị luận đã gợi ý sẵn cho thí sinh cách làm, đó là phải trả lời theo hai hướng: 1 là nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người, 2 là vì sao con người làm nên sự cao quy cho nghề nghiệp. Bám chắc hướng làm như thế, sĩ tử mới tránh được việc giải thích lan man, đôi khi quá sa đà vào cảm xúc.

“Ngoài ra, câu 5 điểm về đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và câu 2 điểm về tác phẩm Chữ người tử tù đều là những đoạn trích hay câu nói điển hình. Những phần này, để nêu ra ý chính chắc cũng không quá khó với nhiều bạn,” Tuấn nói.

Em Lê Thu Thúy, thí sinh tại điểm thi trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội thành thật, đề thi môn Lịch sử khối C chiều nay em làm không tốt lắm.

Theo Thúy, câu hỏi số 3 về Cách mạng tháng Tám 1945 em chọn làm trước vì đây là phần không thể thiếu của nhiều năm. Tuy nhiên, những phần sau, Thúy đều khá chật vật. Đặc biệt, câu hai điểm về “Chiến tranh cục bộ” là một trong những phần sĩ tử “hãi” nhất vì rất dễ nhầm lẫn với nhiều kiểu chính tranh khác.

“Không những thế, đề năm nay còn đi sâu vào nhiều chi tiết nhỏ như hoàn cảnh ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, để nhớ thật kỹ để có điểm không dễ,” Thúy tâm sự.

Cũng khó khăn không kém, Nguyễn Thị Thanh, thí sinh quê Hà Nam cho rằng, điều quen thuộc với đề Lịch sử là thí sinh có thể làm rất dài nhưng chưa chắc đã đạt điểm tốt. Lấy ví dụ, Thanh cho rằng, với đề thi đại học khối C vừa rồi, đáp án của Bộ Giáo dục chỉ 3 trang, trong đó, nhiều câu trả lời chỉ cần ngắn gọn trong vài gạch đầu dòng là đã có thể đạt điểm tối đa. Tuy nhiên, để trả lời đúng ý, bao gồm cả ý chính và nhiều ý nhỏ để đạt điểm thì không hề đơn giản.

“Thực sự là nhiều câu em không thể nhớ chính xác tất các các ý nên cứ cố viết dài thêm. Dù sao những ý nào đúng thầy cô mới cho điểm, không thì cũng không bị trừ điểm,” Thanh nói./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục