Thí điểm xây chòi tránh lũ: Ít vốn nhưng hiệu quả

Với vốn đầu tư không lớn nhưng mô hình thí điểm xây chòi tránh lũ ở Hà Tĩnh và Nghệ An cho thấy hiệu quả cao và sẽ được nhân rộng.
Chuyến thị sát, kiểm tra của Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện xây nhà chòi phòng tránh lũ, lụt tại các xã thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong 2 ngày 5 và 6/3 đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Với số vốn đầu tư không lớn nhưng hiệu quả từ chương trình thí điểm mang lại là rất thiết thực, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân nghèo sống trong vùng ngập lũ.

Vốn “mồi” từ chương trình

Chương trình triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung được thực hiện theo Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng đã triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Chương trình thực hiện với nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6 m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố.

Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi; trong đó nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong thời gian 10 năm (thời gian ân hạn trong 5 năm đầu); số vốn còn lại do người dân tự đóng góp.

Đứng trước những căn nhà chòi được xây kiên cố, còn thơm mùi vôi tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vui mừng cho biết cái được lớn nhất từ chương trình thí điểm này là từ nay các hộ nghèo trong vùng ngập lũ có thể yên tâm sinh sống, không phải sơ tán mỗi khi lũ về.

“Vốn hỗ trợ chỉ là vốn “mồi” để kích thích các nguồn lực khác cũng như nỗ lực của người dân trong việc tham gia xây dựng chòi chống lũ”, Thứ trưởng nói.

Thực tế cho thấy, ngoài vốn được hỗ trợ, nhiều hộ đã vay mượn thêm để xây được nhà chòi to đẹp hơn. Bà Đặng Thị Nga, xóm An Thịnh, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn đã hoàn thành xây dựng căn nhà chòi trị giá hơn 40 triệu đồng.

Bà Nga tâm sự "giờ thì tôi đã có thể yên tâm lo cho cuộc sống hàng ngày, không còn vất vả như trước nữa. Nhờ có vốn hỗ trợ và sự giúp đỡ của mọi người mà nhiều người như chúng tôi đã làm được nhà cho mình".

Tương tự như vậy, nhiều hộ dân trong diện chính sách ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An dù chưa nhận được tiền vốn giải ngân nhưng cũng đã tích cực vay mượn để xây dựng nhà chòi.

Chứng kiến điều này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã đề nghị chính quyền xã Hưng Nhân sớm hoàn tất thủ tục để giải ngân vốn vay kịp thời hỗ trợ cho người dân nhằm sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tỉnh Nghệ An cũng phấn đấu sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình vào ngày 31/3.

Sớm nhân rộng mô hình

Tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá thực hiện chương trình thí điểm một cách rất bài bản, huy động được tới hơn 60% nguồn lực từ dân và là tỉnh đầu tiên hoàn thành kế hoạch với những mô hình và cách làm hay.

Đến nay tất cả các hộ thuộc 3 xã Phương Mỹ, Hòa Hải (huyện Hương Khê) và Sơn Thịnh (huyện Hương Sơn) đã và đưa vào sử dụng công trình. Chất lượng nhà chòi tránh lũ cơ bản đảm bảo phù hợp theo các văn bản quy định của cơ quan chức năng hướng dẫn. Các căn nhà chòi này có giá trị thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất là hơn 100 triệu đồng; bình quân là 45 triệu đồng/nhà chòi..

Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết Chính phủ vừa có chủ trương, tỉnh đã quyết tâm thực hiện ngay trong mùa lũ năm 2012. Người dân cũng như chính quyền địa phương đều đồng lòng ủng hộ và đánh giá Quyết định 716 là hoàn toàn cần thiết đối với cuộc sống.

“Chính quyền xác định rõ đây là nhà ở của người dân chứ không phải chỉ là chòi. Địa phương đã phát huy sự sáng tạo của mỗi hộ gia đình thay vì cứng nhắc theo mẫu thiết kế đưa ra. Một số hộ đã cải tiến từ nhà cũ để tận dụng được hết không gian, diện tích phù hợp với điều kiện sinh hoạt thường ngày”, ông Sơn chia sẻ.

Huy động được sức dân, sự giúp đỡ từ cộng đồng cũng như sự chỉ đạo linh hoạt, đúng lúc của các cấp chính quyền là những bài học kinh nghiệm quý tạo nên thành công cho chương trình thí điểm tại Hà Tĩnh.

Chủ tịch xã Sơn Thịnh, ông Lê Văn Cường cho biết, nhiều hộ gia đình đã tự trộn xi đổ gạch làm vật liệu xây dựng. Xi măng, thép, tấm lợp hầu hết các hộ dân ký nợ tại các điểm bán dưới sự bảo lãnh của Ủy ban nhân dân xã. Xã cũng giao cho Đoàn thanh niên lựa chọn một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ như đào móng, đổ bê tông, chở cát…

Với kinh nghiệm thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg trước đó, Hà Tĩnh đã thực hiện công tác giám sát đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, tránh thất thoát lãng phí.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng nhận định, Hà Tĩnh là tỉnh đi trước trong việc xây dựng chòi chống lũ và là mô hình tốt để các nơi khác tham khảo. “Quan trọng nhất là người dân tự đứng ra làm, tự mình giải quyết vấn đề nhà ở tránh lũ, tránh được sự ỷ lại của người dân, đồng thời cũng có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước. Đây là mô hình có thể làm mẫu cho việc xóa đói giảm nghèo nói chung”, Thứ trưởng nói.

Hiện nay, theo thông tin từ 7 tỉnh trong chương trình thí điểm báo về Bộ Xây dựng, hầu hết đều đang triển khai tốt và cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch. Thứ trưởng cho biết trong tháng 3 sẽ sơ kết chương trình thí điểm tại tỉnh Phú Yên để rút kinh nghiệm, từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để sớm triển khai đại trà mô hình này.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã khảo sát tại 14 tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa tới Bình Thuận. Qua khảo sát cho thấy hiện có khoảng 60.000 hộ nghèo và khoảng 30.000 hộ cận nghèo đang sống trong vùng ngập lũ.

Trong điều kiện như hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc nâng mức hỗ trợ cho các hộ nghèo xây nhà chòi là rất khó bởi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, nhưng việc nâng cao mức cho vay với lãi suất ưu đãi thì có thể được xem xét để triển khai trong những năm tới./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục