Bao giờ mới siêu?

Thi siêu mẫu Việt Nam: Bao giờ mới siêu?

Sau sáu lần tổ chức, cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam vẫn không hướng được đến sự chuyên nghiệp mà ngày càng bộc lộ thiếu minh bạch.
Ngay sau khi kết quả cuối cùng của cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2009 được công bố, khán phòng trung tâm hội nghị White Palace đã vang lên tiếng phản đối của khán giả.

Sáng sớm hôm sau, trên các báo mạng đã “lấp lánh” những cái title như "Bất ngờ với giải thưởng Siêu mẫu 2009!", "Vĩnh Thụy, Thanh Tuyền trượt ngôi Siêu mẫu Việt Nam 2009"…
 
Giữa một rừng các cuộc thi người đẹp nở rộ ở Việt Nam những năm gần đây, Siêu mẫu Việt Nam là cuộc thi duy nhất dành cho người mẫu (không tính Munhunt vì cuộc thi này chỉ dành cho nam).
 
Ngay từ khi được tổ chức lần đầu tiên với cái tên Tìm kiếm người mẫu châu Á (2002), nó được giới người mẫu, những người làm việc trong ngành thời trang của Việt Nam hân hoan đón nhận với hy vọng sẽ có một đấu trường uy tín cho những người làm nghề.

Tuy nhiên, đến nay, sau sáu lần tổ chức, cuộc thi vẫn không hướng được đến sự chuyên nghiệp mà ngày càng bộc lộ sự thiếu minh bạch. Và Siêu mẫu 2009 được giới nghề đánh giá là lập kỷ lục về chuyện “lùng nhùng” trong lịch sử của cuộc thi này.
 
Lùng nhùng từ tiêu chí
 
Theo thể lệ dự thi của ban tổ chức Siêu mẫu 2009 đưa ra thì đối tượng dự thi là các công dân nam nữ có quốc tịch Việt Nam chưa kết hôn, chưa sinh con, chưa có tiền án tiền sự, chưa qua chuyển đổi giới tính, không có hình xăm trên cơ thể. Thí sinh phải có bằng phổ thông trung học trở lên, độ tuổi từ 18 đến 25, nữ cao từ 1m65, nam cao từ 1m75 trở lên.
 
Vậy là so với những năm trước, thể lệ của cuộc thi năm nay có thay đổi cũng chỉ ở tiêu chí về chiều cao (cuộc thi 2005 trở về trước yêu cầu về chiều cao tối thiểu của nữ là 1m62) và làm rõ tiêu chí “tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên” thành “có bằng phổ thông trung học” theo đúng quy chế tổ chức thi người đẹp để tránh “dớp” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm ngoái.
 
Nếu như trong những năm trước, ở vòng sơ khảo, phần cân đo vẫn gây tranh cãi nhất trong hậu trường cuộc thi cho dù ban tổ chức có mời bác sĩ nhân trắc học đến “đo đạc” cẩn thận, thì năm nay, màn tranh cãi sôi động với nhiều yếu tố bi hài nhất lại tập trung vào chuyện bằng tốt nghiệp của thí sinh.
 
Không ít người đã vào rồi lại ngậm ngùi ra khỏi vòng chung kết vì tấm bằng tốt nghiệp, ban tổ chức cũng đau đầu với việc kiểm chứng bằng thật, bằng giả. Giữa các thí sinh với nhau cũng “chơi” chiêu bài “xì” chuyện bằng tốt nghiệp để “hạ gọn” đối thủ.
 
Danh sách thí sinh vào chung kết cho đến cận thời điểm diễn ra đêm chung kết xếp hạng mới được xác nhận chính thức, còn trước đó, danh sách này cứ trồi sụt liên tục.
 
Đêm chung kết xếp hạng, ngay cả khi bỏ qua những chuyện khôi hài trong phần thi ứng xử vốn là chuyện chẳng có gì lạ ở các cuộc thi nhan sắc thì cũng không thể bỏ qua được sự khôi hài trong cách bộc lộ theo kiểu ngầm ẩn quan điểm của ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi này.
 
Màn bày tỏ lòng trắc ẩn với người kém may mắn của thí sinh đoạt giải vàng Nguyễn Thị Ngọc Bích được “diễn” lộ liễu tới mức có người trong khán phòng đã buột miệng: “Làm từ thiện cũng có thủ đoạn!”.
 
Trước đó, thí sinh này với chiếc bánh kem sinh nhật được chuẩn bị sẵn trong một chuyến viếng thăm bất ngờ vào trại trẻ em khuyết tật Hóc Môn (bất ngờ vì theo kế hoạch đoàn sẽ thăm làng trẻ SOS Gò Vấp nhưng vào giờ chót thì ban tổ chức thay đổi địa điểm) đã khiến nhiều bạn thi khác bất bình vì cho rằng có “tay trong”. Và, nếu đã nghe chuyện hậu trường rò rỉ từ thí sinh hoặc những người thân cận của họ, sẽ chẳng ai thấy bất ngờ vì kết quả cuối cùng.
 
Trả lời phỏng vấn phóng viên, nhà thiết kế Việt Hùng, một thành viên ban giám khảo đã gắn bó với cuộc thi Siêu mẫu từ những lần tổ chức đầu tiên khẳng định: “Năm nay, ngoài chuyện thể hình, phong cách làm việc, tiêu chí chấm giải còn đề cao lòng trắc ẩn của thí sinh!”.

Anh còn úp mở rằng thành viên giám khảo Hồ Ngọc Hà chắc chắn sẽ hiểu tại sao Vĩnh Thụy và Thanh Tuyền không được giải vàng – vì nghe nói chính Hồ Ngọc Hà cũng trượt giải vàng Siêu mẫu 2002 vì lý do tế nhị là lý lịch.
 
Vấn đề đặt ra ở đây, nếu đã có tiêu chí rõ ràng, tại sao ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi không áp dụng triệt để? Nếu nghi ngờ lý lịch của thí sinh thì hãy làm cho mọi việc minh bạch, để họ được dự thi đàng hoàng và được chấm giải chính xác, ban giám khảo cũng khỏi phải biện minh cho việc “né” dư luận khi lý lịch thí sinh có vấn đề bằng chuyện “lòng trắc ẩn”, nhất là khi cặp thí sinh đoạt giải vàng rõ ràng là “thấp hơn một bậc” so với cặp thí sinh đoạt giải bạc.
 
Chưa kể trong quá trình thi, ban tổ chức luôn khiến cho các thí sinh cảm thấy ức chế vì việc thực thi những thể lệ, nội dung thi vốn sẽ rất tiến bộ nếu làm đúng.

Chẳng hạn như chuyện để hướng thí sinh đến sự sáng tạo, phát huy khả năng biến hóa trang phục biểu diễn, ban tổ chức phát cho thí sinh một bộ đồ bó (mà ban tổ chức gọi là trang phục trung tính) và hai mảnh vải, một mảnh 2m và một mảnh 1,5m rồi yêu cầu thí sinh phải tự thiết kế trang phục cho mình.
 
Nhưng trong thực tế, ban tổ chức lại không theo dõi sát sao việc này, để một số thí sinh có mối quan hệ thân thiết với các nhà thiết kế chuyên nghiệp đã nhờ họ làm giúp và đương nhiên là gây ảnh hưởng đến điểm số của những người “thân cô thế cô”…
 
Đến thành phần ban tổ chức, ban giám khảo và giải thưởng
 
Đây là cuộc thi do tạp chí Thời Trang Trẻ khởi xướng và tổ chức với tên tìm kiếm người mẫu châu Á. Ở lần thứ hai, cuộc thi này đã có thêm một nhà đồng tổ chức là công ty Cát Tiên Sa, từ đây cuộc thi được đổi họ thay tên thành Siêu mẫu bất chấp sự phản đối của “cha đẻ” cuộc thi và dư luận lúc bấy giờ (và cả sau này).
 
Ở những cuộc thi trước, thành phần ban giám khảo luôn luôn khiến dư luận đặt dấu hỏi khi nó gồm hết các tổng biên tập, phó giám đốc đài truyền hình đến diễn viên điện ảnh từ trong nước tới quốc tế, và họ đều có chung một đặc điểm là chẳng liên quan gì đến người mẫu hay thời trang.
 
Từ cuộc thi 2008, ban tổ chức đã cải thiện tình hình khi mời vào ghế giám khảo một số nhà thiết kế, người mẫu, năm nay có thêm nhiếp ảnh gia (tuy nhiên, vị nhiếp ảnh gia này cũng chẳng làm việc trong ngành thời trang). Mặc dù vậy, vấn đề một vị giám khảo “3 trong 1” – vừa là người của ban tổ chức, vừa chịu trách nhiệm huấn luyện thí sinh lại kiêm luôn vai trò giám khảo đã khiến không chỉ thí sinh bất bình mà cả công luận cũng thấy “chướng”.
 
Hết chuyện tiền giải thưởng bị khấu trừ vào hiện vật như băng đeo, cúp đến chuyện “quỵt thưởng”, năm nay ban tổ chức Siêu mẫu lại “chơi” trò tặng thưởng bằng quà. Thí sinh chiếm giải vàng (1 nam, 1 nữ) sẽ nhận tổng giá trị giải thưởng là 200 triệu đồng nhưng chỉ có 25 triệu đồng tiền mặt, còn lại là đủ các phiếu mua hàng, phiếu massage, quà tặng, vương miện, cúp, băng đeo, giấy chứng nhận.
 
Giải bạc thì được giải thưởng trị giá 100 triệu đồng nhưng cũng chỉ có 15 triệu tiền mặt còn giải đồng, tiếng là “ẵm” 80 triệu nhưng số tiền được lĩnh vỏn vẹn có 10 triệu.
 
Mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng, nhưng có thí sinh được giải còn “lo ngại” rằng không biết xài đến bao giờ cho hết những quà, những phiếu mua hàng chẳng mấy thiết thực với cuộc sống của mình.
 
Với các cuộc thi được tổ chức nhất thời, việc rút kinh nghiệm được Đài thực hiện hàng ngày chứ chúng tôi không tổ chức họp bàn, rút kinh nghiệm vì những gì báo chí phản ánh. Tất nhiên ban tổ chức đã thấy được những gì công luận thấy, và chúng tôi ghi nhận những phản ánh của báo chí để rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau.
Ông Huỳnh Chí Tân - Phó GĐ Đài TH TP.HCM Trưởng ban tổ chức cuộc thi
Ấn tượng mà cuộc thi Người mẫu quốc tế 2003 được tổ chức tại Thượng Hải để lại trong tôi là sự công bằng và minh bạch. Ban giám khảo gồm siêu mẫu quốc tế người Trung Quốc, một nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp, một giám đốc công ty người mẫu quốc tế nổi tiếng tại Ý. Và trước đêm chung kết, thí sinh không hề biết ai sẽ ngồi ghế giám khảo. Họ chấm thể hình bằng sự ấn tượng và diễn xuất tốt với các loại trang phục khác nhau.
Người mẫu Xuân Lan (Top 5 cuộc thi Người mẫu quốc tế tại Thượng Hải 2003).
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục