Thí sinh đại học hào hứng với đề Ngữ văn, nhăn trán vì đề Hóa

Hầu hết các ý kiến cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay mới lạ, hấp dẫn và gây hứng thú trong khi đề thi Hóa học lại tương đối khó, khả năng phân loại cao.
Thí sinh đại học hào hứng với đề Ngữ văn, nhăn trán vì đề Hóa ảnh 1Các thí sinh sau khi hoàn thành môn thi Ngữ văn tại Hội đồng thi Trường Đại học Công đoàn, Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Sáng 10/7, thí sinh cả nước tiếp tục bước vào thi môn Hóa học (khối B) và môn Ngữ văn (khối C, D, M). Đây là những môn thi cuối cùng của đợt 2, kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014.

Hầu hết các ý kiến cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay mới lạ, hấp dẫn và gây hứng thú cho thí sinh khi làm bài. Trong khi đó, đề thi Hóa học lại tương đối khó, khả năng phân loại cao.

Đề Ngữ văn khuyến khích thể hiện trách nhiệm công dân

Tại cụm thi liên trường Quy Nhơn, ra khỏi phòng thi với nụ cười rất tươi, thí sinh Nguyễn Võ Hồng Hoài đến từ huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết năm nay đề thi môn Ngữ văn khối C rất thú vị, bất ngờ, nhất là câu hỏi về kẻ mạnh, kẻ yếu. Đây là một câu hỏi rất hay, gợi mở cho thế hệ trẻ suy nghĩ về trách nhiệm của mình.

Trong bài làm, em Hoài đã lồng ghép sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tinh thần yêu nước của dân tộc.

Cùng chung quan điểm, thí sinh Tô Hồng Ngọc, huyện Phù Cát (Bình Định) cũng vui vẻ cho biết: "Hôm nay em làm bài tốt hơn hai môn trước. Đề thi Ngữ văn khối C khá thú vị và tạo nên hứng thú viết bài cho các thí sinh."

Ngọc cho biết khi ra về, các bạn cùng phòng thi cũng đều bàn luận sôi nổi về đề thi mới lạ này.

Về đề Ngữ văn khối D, thí sinh Nguyễn Thị Yến Nhi, huyện An Khê, tỉnh Bình Định chia sẻ: "Trong đề, em rất thích câu phát biểu cảm nghĩ về cách sống cống hiến. Với những người trẻ như chúng em thì phải luôn tự nhắc nhở mình phải cố gắng thật nhiều để tương lai cống hiến cho quê hương, đất nước. Em thấy đề thi vừa sức, em làm bài cũng khá tốt."

Kết thúc buổi thi cuối cùng, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền (Quảng Ngãi) thở phào nhẹ nhõm sau hai ngày tập trung căng thẳng. Theo Hiền, đề thi Ngữ văn hôm nay khá hay và có “đất” cho thí sinh thể hiện suy nghĩ, tư tưởng của giới trẻ.

Thí sinh này cũng tự tin về bài làm của mình: “Em nghĩ môn thi này sẽ đạt kết quả tốt. Những ngày qua em cũng thường xuyên theo dõi các diễn biến thời sự, rất căm phẫn hành động ngang ngược của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Khi viết bài về câu hỏi về sự cống hiến, cảm xúc yêu nước lại dâng trào nên em viết liền một mạch, hoàn thành nhanh phần bài làm của mình."

Tại điểm thi Trường Đại học Tây Bắc, nhiều thí sinh đã rời phòng thi sớm khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài.

Thí sinh Nguyễn Mai Lệ (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) phấn khởi cho biết, đề thi môn Ngữ văn đòi hỏi thí sinh nắm được kiến thức trong sách giáo khoa, vừa đòi hỏi có hiểu biết nhất định về kiến thức xã hội. Lệ tâm đắc nhất là câu hỏi yêu cầu thí sinh viết về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người, quốc gia dựa vào ý kiến: "Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình."

Còn thí sinh Nông Thị Thảo (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chia sẻ, đề thi môn Ngữ văn khối C năm nay được ra khá phù hợp với kiến thức của học sinh. Trong đề có câu hỏi thí sinh phải liên hệ với chính bản thân mình, nên đã tạo ra sự gần gũi và hứng thú hơn khi làm bài.

Tại Thái Nguyên, khi nhận xét về đề Ngữ văn khối C và khối D, nhiều thí sinh cho rằng đề năm nay ra theo hướng mở, thí sinh vừa thể hiện được năng lực cảm thụ văn chương, vừa thể hiện chính kiến trước những vấn đề của cuộc sống. Đặc biệt, nhiều thí sinh khá thích thú với câu nghị luận văn học vào một tác phẩm khó nhưng rất hay là bài thơ "Đàn ghita của Lorca.”

Đối với câu hỏi về nghị luận xã hội, thí sinh Dương Thị Thanh Duyên, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ở câu này, em có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, sự hiểu biết và tự nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm với các vấn đề lớn của dân tộc. Nhiều thí sinh cho biết nếu nắm chắc tác phẩm, có kỹ năng đọc hiểu và phân tích thí có thể đạt từ 5 đến 7 điểm."

Ghi nhận của phóng viên tại một số điểm thi cho thấy, rất nhiều thí sinh rời phòng thi sớm với tâm trạng rất vui vẻ.

Đánh giá về đề thi Ngữ văn năm nay, thầy Trần Doãn Quyết, giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học Phổ thông chuyên Sơn La cho biết đề thi năm nay phù hợp với chương trình học, khá vừa sức với học sinh bình thường. Đối với học sinh giỏi thì câu nghị luận văn học (câu I) và nghị luận xã hội (câu II) sẽ là yếu tố giúp thí sinh đi sâu và thể hiện khả năng, giúp các em đạt điểm cao.

Ngoài ra, đề thi cũng mang tính thời sự khi mang vấn đề sức mạnh chân chính của mỗi quốc gia vào đề thi. Nếu thí sinh tinh ý, biết liên hệ với tình hình trên Biển Đông hiện nay thì bài viết sẽ hay và dễ đạt điểm cao. Bên cạnh đó, phần đọc hiểu (câu III) cũng không quá khó nên sẽ giúp thí sinh dễ đạt điểm tuyệt đối ở câu này.

Môn Hóa cần tư duy nhiều

Tại cụm thi Hải Phòng, đối với đề thi môn Hóa học, các thí sinh đều có chung nhận xét đề thi Hóa khối B tương đối khó, có nhiều câu hỏi lạ, cần tư duy để làm các phần bài tập liên quan đến tính toán, phân tích. Kiến thức để làm bài thi các em đều đã được học trong trường phổ thông tuy nhiên, dạng bài tập thay đổi, vì vậy nhiều em thấy lúng túng. Phần lớn các em chỉ làm được từ 60-80%.

Theo các em, đề thi môn Hóa khối B khó hơn đề thi môn hóa khối A, khả năng phân loại học sinh trung bình, học sinh khá giỏi rất cao. Các phần bài tập khó liên quan đến hiệu suất, chuỗi phản ứng. Để đạt kết quả 6-7 điểm với đề thi môn Hóa khối A dễ dàng hơn so với việc được 6-7 điểm của đề thi môn Hóa khối B.

Ngoài cụm thi của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (tổ chức thi cho các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, Quảng Ninh dự thi vào 45 trường, học viện tại Hà Nội và Đại học Hàng hải Việt Nam), trong đợt thi thứ 2, tại Hải Phòng còn có trường Đại học Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng cũng tổ chức thi tuyển.

Tại Đà Nẵng, thí sinh Lê Thanh Phong quê Bình Định cho biết đề Hóa học năm nay tương đối khó so với các đề thi thử và đề thi khối B năm ngoái. Nhiều bài tập buộc phải sử dụng công thức phức tạp để tính, bài giải dài nên mất nhiều thời gian.

Có cùng nhận định với Phong, thí sinh Nguyễn Thị Thu Phương quê ở Quảng Trị cho biết: "Em chỉ làm được tầm gần 60% vì phần phần hóa hữu cơ, bài tập dài và phức tạp."

Tại Thái Nguyên, nhiều thí sinh cho rằng đề thi môn Hóa khối B có phần khó hơn khối A.

Thí sinh Lưu Thị An ở xã Linh Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Với đề thi này, nếu nắm chắc kiến thức phổ thông sẽ chắc chắn hoàn thành được 60% số lượng câu hỏi"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục