Thí sinh dễ dàng vượt "ải" địa lý với quyển Atlat

Thí sinh hồ hởi cho biết đề thi không khó, riêng quyển Atlat địa lý Việt Nam đã “cứu” được 5 điểm, chỉ cần học trung bình là làm tốt.
Cơn mưa rạng sáng nay cùng với tiết trời khá mát mẻ đã giúp sĩ tử có một buổi thi khá thoải mái với môn thi thứ 3 địa lý.

Tự tin bước ra khỏi điểm thi Trường Phổ thông trung học Nguyễn Tất Thành, Thế Lâm, học sinh lớp 12C ước chừng, bài thi vừa rồi ít nhất cũng sẽ đạt 7-8 điểm. Theo Lâm, với đề thi môn địa lý sáng nay, chỉ cần học tốt nội dung cơ bản của chương trình lớp 12 là đã có thể hoàn thành bài thi tốt.

Vốn không phải dân chuyên khối C nhưng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Lâm đã theo dõi rất kỹ những đề thi các năm trước để có cách ôn tập thật khoa học.

So sánh đề thi sáng nay với những năm trước, cậu học sinh lớp 12 cho rằng cấu trúc đề địa lý năm nay hợp lý. “Nắm vững kiến thức cơ bản, cùng với Atlat là đã có thể được 6 điểm,” Lâm khẳng định.

Theo đánh giá nhiều học sinh, sĩ tử có thể gỡ điểm ở những câu vẽ biểu đồ, sử dụng Atlat Địa lý nếu những câu học thuộc không làm thật tốt. Tuy nhiên, để đạt được điểm cao tuyệt đối sẽ là không nhiều bởi câu hỏi đòi hỏi thí sinh có kiến thức tổng hợp mới hoàn chỉnh được bài làm.

Nhiều em cho biết, đề thi không khó, riêng quyển Atlat địa lý Việt Nam đã “cứu” được 5 điểm. Chỉ cần lực học trung bình là có thể kiếm điểm dễ dàng.

Có tới 50% nội dung câu hỏi của đề thi có thể làm được nếu biết khai thác Atlat, 50% còn lại là phần học thuộc”, Nguyễn Thu Trang, học sinh trường Đông Đô cho biết.

Mặc dù không hoàn thành thật tốt bài thi, tuy nhiên, Đỗ Văn Dũng, học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thở phào vì đã trót lọt vượt ải địa lý sáng nay.

Theo Dũng, đề thi hơi dài và 90 phút của thời gian thi là những phút chạy đua khá căng thẳng của cậu. Dũng nhăn nhó, mặc dù tối qua đã ngồi xem lại một lượt kiến thức học trên lớp nhưng sáng nay vào phòng thi cậu vẫn chẳng nhớ được rành rọt.

“Lúc đấy, em đành phải vừa cố nhớ lại, vừa tự luận để hoàn thành bài, mong là được 5-6 điểm,” Dũng thành thật.

Kết thúc thi môn Địa trong ngày thứ hai, hầu hết các thí sinh đều nhận định đề địa năm nay không khó nhưng hơi dài và không đủ thời gian làm hết.

Em Nguyến Tú Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức đang cầm tấm đề bàn luận sôi nổi cùng với những bạn bè.

“Khó nhất là phần câu 2 nói về tỉ trọng công nghiệp, hầu hết các thí sinh trong phòng em đều mất nhiều thời gian làm,” Tú Anh chia sẻ.

Theo Tú Anh, đề năm nay hơi dài và trải rộng kiến thức, học sinh nào nắm thật chắc kiến thức mới có thể làm nhanh và kịp thời gian.

Em Trần Văn Bình, học sinh trường Trung học phổ thông Ngô Tất Tố tại điểm thi trường Việt Đức cũng cho biết đề không khó nhưng dài.

“Thí sinh nào làm được tất cả các câu thì cũng được ít nhất 5 điểm, riêng phần sử dụng Atlat các bạn đã có thể gỡ điểm rất tốt” Bình hồ hởi nói.

Không ít bạn thí sinh tỏ ra tiếc nuối vì chưa đủ thời gian làm hết.

Tại địa điểm thi trường Trung học phổ thông Nhân Chính, các thí sinh ra khỏi cổng trường với nhiều tâm trạng khác nhau.

Em Nguyễn Mạnh Hoàng, trường Trung học phổ thông Nhân Chính cho biết: “Em học khối A nên không chú trọng môn thi khối C lắm. Chủ yếu các kiến thức đề thi năm nay đều rơi vào lớp 12, thí sinh nào chỉ cần học chắc thì có thể đạt được điểm cao.”

“Ngoài ra, các thí sinh biết cách phân bổ thời gian, câu nào dễ làm trước thì có thể qua được, bởi có rất nhiều bạn trong phòng đều chú trọng làm từng câu một và dành nhiều thời gian nên khi chưa xong hết đề thi thì đã hết giờ,” Hoàng nhận định.

Theo Hoàng, dễ rất là những câu vẽ biểu đồ vì số liệu % đã có sẵn nên có thể kiếm được điểm tốt, tuy nhiên, phần nhận xét cần phải biết được lý thuyết vì có nhiều câu hỏi liên qua đền cơ cấu thành phần ngành nghề.

Ra khỏi phòng thi đầy vui vẻ cũng là tâm trạng.của các thí sinh điểm thi Trung học Cơ sở Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Em Đỗ Duy Thành, học sinh Trường Trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh phấn khởi vì làm hết bài. Theo Thành, khó nhất là ý 2, câu 3, yêu cầu trình bày thế mạnh về tự nhiên và hiện trạng phát triển cây chè của Trung du và miền núi phía Bắc. Theo Thành, câu này đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức vững và biết phân tích mới đạt điểm cao.

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Chủ tịch Hội đồng coi thi ở trường Trung học phổ thông Bán công Đống Đa, các thí sinh vào làm bài môn thứ ba khá phấn khởi, thoải mái. Vẫn còn một số thí sinh vẽ biểu đồ bằng bút chì đã được giám thị nhắc nhở nên kịp thời tô lại.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, nhóm trưởng nhóm chuyên môn địa lý của trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú- Đống Đa cho biết: “Đề thi vừa sức học sinh. Nếu chỉ yêu cầu đạt điểm 5 thì không khó. Phần kiến thức tuy không “đánh đố” nhưng để có điểm thật cao cũng không đơn giản. Phần vẽ biểu đồ thì nhiều em làm tương đối tốt."

Học sinh Phạm Ngọc Trang, Hội đồng thi trường trung học cơ sở Thái Thịnh cho biết: Em làm bài cũng được. Vì có phần vẽ biểu đồ nên các bạn trong phòng thi ai cũng “bận rộn” cũng không mấy người phải cắn bút. Tuy nhiên việc được điểm cao nhất cũng rất khó.”

Như vậy, các em đã qua được một nửa chặng đường tương đối suôn sẻ. Chiều nay, thí sinh sẽ làm bài thi môn thứ tư, môn sinh học, theo hình thứ thi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 60 phút./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục