Sáng nay (2/6), các địa điểm thi bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2013 với môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn. Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, dù 6 giờ 30 mới tập trung khai mạc kỳ thi nhưng ngay từ 6 giờ sáng, phụ huynh và học sinh đã ngồi chật cổng trường và khu vực vỉa hè lân cận.
Thí sinh hồi hộp và lo lắng
Tại điểm thi trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Đông, nhiều học sinh cố tranh thủ ôn bài lần cuối. Em Tú Anh cho biết, là môn thi đầu nên em rất hồi hộp, dù văn là sở trường của em. Tối qua em đã phải ôn tập lại toàn bộ chương trình môn này, mẹ nhắc mãi em mới đi ngủ, nhưng giờ vẫn phải lướt lại lần nữa cho yên tâm.
Ngay cả khi tập trung khai mạc kỳ thi và đến tận trước giờ giám thị gọi vào phòng thi, các em vẫn miệt mài, chăm chú nhìn vào vở. Em Nguyễn Thị Thuý Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo bảo, em thi khối D nên môn văn em đã ôn tập khá kỹ. “Nhưng bây giờ em vẫn thấy hồi hộp và lo lắng lắm. Em đang run,” Thúy Anh chia sẻ.
Một số em lại chọn giải pháp thư giãn tinh thần. Cười đùa cùng đám bạn và hít thở thật sâu không khí trong lành, em bảo bây giờ ôn cũng không vào đầu được bao nhiêu, có khi lại thêm rối trí. “Chẳng mấy khi được đến trường bạn, ở đây khuôn viên rất đẹp, nhiều cây cối, em ngồi ngắm nghía cho đỡ áp lực tinh thần,” thí sinh Nguyễn Thế Anh cười nói.
Tại điểm thi trường Trung học phổ thông Việt Đức, không khí thi cử cũng sôi động không kém.
Trước thời gian vào phòng thi, từ các quán nước ven cổng trường vào tới sân trường và dọc dãy hành lang dọc phòng thi, các sỹ tử vẫn hăng say ôn bài. Rất nhiều thí sinh cố gắng tranh thủ từng phút để rà soát lại kiến thức để vững tâm trước khi chính thức bước vào kì thi.
Lật từng trang đề cương ôn môn Văn, em Phùng Tuấn Minh vẫn đang chăm chú đọc bao quát những nội dung của các tác phẩm qua các thời kỳ.
Vốn chỉ học các môn tự nhiên tốt, Tuấn Minh bảo, em mới bắt đầu ôn các môn Văn, Sử, Địa từ khoảng… một tháng trở lại đây vì còn mải ôn thi những môn chính, phục vụ cho kỳ thi đại học sắp tới. Bây giờ, em tranh thủ xem lại lần cuối cho thật vững tâm.
“Đối với các môn Văn, Địa, em chỉ cần cố gắng đạt 5, 6 điểm. Còn lại, em sẽ cố gắng làm tốt ở các môn tự nhiên để kéo điểm lên,” Tuấn Minh thành thật.
Ngồi cạnh quán nước đối diện cổng trường, em Trần Trọng Hiếu được mẹ “chiêu đãi” bữa sáng với xôi gà. Nét mặt đăm chiêu, xúc từng thìa xôi, Hiếu kể, sáng nay là ngày khác hơn so với thường lệ bởi em được bố mẹ báo thức dậy từ 5 giờ sáng, kiểm tra cẩn thận giấy tờ, dụng cụ thi kỹ càng để yên tâm đến phòng thi. Hiếu bảo, với sức học của mình, em tin chắc có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Thế nhưng, quan trọng là điểm phải cao để đền đáp công ơn nuôi dạy ăn học của gia đình. Do đó, em đã dồn rất nhiều tâm sức cho kỳ thi quan trọng đầu tiên.
Lo lắng, thí sinh tận dụng từng phút trước khi thi để ôn lần cuối. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Hiếu cho biết, thường ngày em tự đi xe đạp đến lớp, trừ những ngày ốm được bố mẹ đưa đi. Dù nhà cách trường có 15 phút đạp xe nhưng sáng nay, mẹ em nhất quyết đòi đưa em đi thi.
Ngồi kế bên, chị Phạm Thị Hạnh đang lấy khăn lạnh lau mặt cho Hiếu. Chị bảo, một tuần trước đợt thi, con trai ở lỳ trong phòng với đống sách vở. Mặc dù đã lên lịch rất kỹ từ tháng trước nhưng với khối lượng kiến thức dồn lại khá lớn, chị cũng chỉ biết động viên, chăm lo bồi bổ để cháu yên tâm ôn luyện bài.
“Từ hai hôm trước đã dặn dò cháu nên đi ngủ sớm để giữ sức khỏe nhưng sáng nay dậy vẫn thấy mắt thâm quầng, ép mãi mới chịu ăn sáng. Đây mới là môn thi đầu, chẳng biết có đủ sức làm bài tốt không,” chị Hạnh lo lắng.
Đỗ xịch chiếc xe máy trước cổng trường Trần Phú, bác Nguyễn Tuấn Anh vẫn không quên dặn dò cô con gái lớn kiểm tra lại lần nữa các giấy tờ, dụng cụ mang vào phòng thi. Bác Tuấn Anh bảo, tối qua, gia đình đã làm công tác tư tưởng rất tốt cho con gái bằng việc không đặt nặng áp lực điểm số mà chỉ hi vọng cháu sẽ cố gắng hết sức qua những kiến thức 12 năm được học trong trường.
“Lần nào cũng vậy, mỗi đợt thi là phụ huynh như tôi đều ăn không ngon, ngủ không yên,” bác Tuấn Anh bộc bạch. “Tôi và vợ đã chia nhau xin nghỉ làm việc ngày thứ Hai, thứ Ba tới để chủ động đưa đón cháu đi thi. Tôi nghĩ, hôm đó có đi làm thì cũng không tập trung được vào công việc,” bác Tuấn Anh cho biết thêm.
Ngồi quán nước ở cổng trường Việt Đức, chị Đinh Thu Hằng chốc chốc lại “ngóng” đôi mắt vào phòng thi, thậm chí, có lúc sốt ruột, chị chạy sát đến cổng trường chỉ để xem từ xa các thí sinh làm bài.
“Các cháu lo một thì chúng tôi sốt ruột mười. Đằng đẵng, vất vả nuôi con ăn học, giờ là lúc quyết định, làm sao có thể không lo lắng” chị Hằng ngậm ngùi nói.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng khá lạc quan và tự tin bởi đợt thi này sẽ chỉ là ôn luyện kỹ năng kiến thức, khả năng tư duy và tâm lý thi trước khi bước vào kỳ thi đại học sau đó một tháng.
Bác Thái, phụ huynh một học sinh cho rằng, các sỹ tử cần có sự tự tin và tâm lý thật sự thoải mái để làm bài do kỳ thi này cũng là kiểm tra năng lực trong thời gian ngồi ghế nhà trường đồng thời gia đình cũng không nên kỳ vọng quá nhiều và tạo áp lực lớn đến con em./.
Nhóm PV (Vietnam+)