Hồi hộp với ngữ văn

Thí sinh tự tin và hồi hộp với môn thi ngữ văn

Vượt qua môn Văn sáng nay bằng việc làm bài tốt, chắc chắn sẽ tạo động lực vượt qua các môn còn lại, là suy nghĩ của nhiều sĩ tử.
Mặc dù đến 6 giờ 30 giờ mới là thời điểm thí sinh tập hợp để nghe phổ biến trước khi bước vào phòng thi, nhưng từ gần 5 giờ 30 sáng, bên ngoài trường Phổ thông trung học Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, Hà Nội), nhiều học sinh đã tề tựu.

Cầm trên tay vài chiếc bút bi và tập giấy trắng, Nguyễn Thị Thanh, cô học sinh lớp 12A3 bảo, mình sắp phải giã từ mái trường với bao kỷ niệm tươi đẹp của tuổi học trò.

Không giấu nổi lo lắng, Thanh cho hay cả đêm qua em hồi hộp nên khó ngủ. Bởi vậy đã tranh thủ dậy đọc thêm những bài văn mẫu để bổ sung kiến thức, bước vào cuộc thi quan trọng của cuộc đời mình.

“Nói thật là đọc cũng khó vào đầu lắm. Nhưng do không ngủ được nên em chẳng biết làm gì. Hơn nữa, vào được chữ nào, hay chữ ấy mà anh,” Thanh tâm sự.

Cô học trò nhỏ này cũng cho rằng “đầu xuôi thì đuôi lọt,” do đó nếu các sĩ tử vượt qua môn Văn sáng nay bằng việc làm bài tốt, chắc chắn sẽ tạo động lực vượt qua các môn thi còn lại.

Giống như Thanh, nhiều nhóm bạn đang “túm năm tụm ba” ngoài quán trà đá ở cổng trường cũng không giấu nổi sự lo lắng. Trần Hoàng Sơn, một thí sinh bảo rằng cho dù biết kỳ thi tốt nghiệp sẽ không quá khó khăn để vượt qua, song cảm giác run là không thể tránh khỏi.

“Tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp của trường em mỗi năm không cao nên chúng em cũng không quá lo, song nếu nhỡ trường hợp đó lại rơi vào mình thì chỉ có cách tìm hố mà chui xuống đất cho đỡ ngượng,” Sơn nói.

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, tại một số điểm thi, rất nhiều sĩ tử đã được phụ huynh đưa đến trường để cổ súy tinh thần. Và cũng giống như các em, một số người đã không giấu nổi tâm trạng lo lắng.

Cô Thóa, một phụ huynh cho biết dù đứa con trai không muốn đưa đi thi tốt nghiệp vì khoảng cách từ nhà đến điểm thi chỉ 4km, song cô đã dành thời gian để giúp con đỡ tốn sức đạp xe.

“12 năm học, nếu cháu đạp xe đi, rồi bị ốm mà bỏ thi thì công cốc. Do đó, tôi sẽ đóng cửa hàng nước để đưa con đi thi,” cô nói.

Cô cũng cho biết, mình đã chuẩn bị nhiều phương án cho cuộc sống tương lai của con trong trường hợp thi trượt đại học. Song, việc trước mắt cứ phải tốt nghiệp cấp 3 cái đã.

Khu vực thi trường Trung học phổ thông Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, thí sinh cũng hồi hộp không kém. Em Phạm Doãn Bạch Linh cho biết, dù em học môn văn khá tốt, đã ôn tương đối kỹ vì đăng ký thi đại học khối D vào một trường đình đám là Đại học Ngoại thương Hà Nội và rất tự tin nhưng vẫn... run. Đây cũng là chia sẻ của cô bạn cùng phòng thi Phạm Thùy Linh. Cũng thi đại học khối D, học văn khá ổn, Linh bảo em không lo không làm được bài nhưng thấy rất hồi hộp vì đây là môn thi đầu tiên.

Tại điểm thi trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, Hà Nội, đúng 6h30 phút, thí sinh chào cờ bắt đầu lễ khai mạc kỳ thi. Điểm thi gồm học sinh của 3 trường là Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng và Trung học phổ thông Văn Lang.

Chứng kiến lễ chào cờ và nghe Chủ tịch Hội đồng coi thi phổ biến nhấn mạnh lại một số điểm cơ bản trong quy chế thi có thể thấy Hội đồng thi này khá quy củ. Từ giám thị coi thi và thí sinh đều nghiêm túc.

Đặc biệt, điều kiện thi của thí sinh được đảm bảo. Điều kiện cơ sở vật chất do trường sở khang trang nên các phòng thi đều thoáng rộng, đủ ánh sáng và quạt mát cho thí sinh làm bài.

Bà Lê Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, Chủ tịch Hội đồng coi thi ở đây cho biết: “Hội đồng có tất cả 367 thí sinh thi trong 16 phòng thi, cụ thể có 15 phòng, mỗi phòng 24 thí sinh đúng như quy định chuẩn về số thí sinh trong phòng thi. Riêng phòng thứ 16 có 7 thí sinh.”

Đến 10 giờ sáng nay, thí sinh sẽ kết thúc môn thi văn. 14 giờ 30 phút, các em tiếp tục thi môn thứ hai là môn vật lý./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục