Thi THPT quốc gia 2017: Đề thi minh họa phủ rộng kiến thức lớp 12

Đánh giá về đề thi minh họa của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, các giáo viên cho rằng đề bao phủ kiến thức chương trình lớp 12 với các câu hỏi từ dễ đến khó, có khả năng phân loại thí sinh.
Thi THPT quốc gia 2017: Đề thi minh họa phủ rộng kiến thức lớp 12 ảnh 1(Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Đề thi có độ bao phủ toàn bộ kiến thức chương trình lớp 12 với các câu hỏi từ cấp độ dễ đến khó, có khả năng phân loại thí sinh.

Đó là nhận định của đa số giáo viên, học sinh khi nói về đề thi minh họa của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 5/10.

Môn Toán: Không dễ để kiếm điểm cao

Ngay khi Bộ công bố đề minh họa, cô Mai Thị Khuyên, giáo viên dạy toán trường Trung học phổ thông Hoài Đức A (Hoài Đức, Hà Nội) đã ngay lập tức tải về để nghiên cứu kỹ từng câu hỏi.

“Tôi thấy yên tâm vì đề hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12 với 6 mảng kiến thức, mỗi phần đều có đủ 4 cấp độ, từ nhận biết nhận biêt, thông hiểu đến vận dụng và sáng tạo. Học sinh không khó để đạt điểm trung bình nhưng không dễ để kiếm điểm cao. Đề có thể đạt mục đích của Bộ là vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học,” cô Khuyên nói.

Cũng theo cô khuyên, đề có 50 câu hỏi thì có 30 câu ở mức độ trung bình, học sinh đại trà có thể làm được bài. “Nhưng để chọn được câu hỏi đúng thì cần độ chính xác cao, nếu trừ độ rủi ro làm sai của học sinh thì đang lo lắng vì thời lượng làm bài ít. Với cách ra đề này, học sinh phải học bài bản, kỹ lý thuyết mới không nhầm lẫn,” cô Khuyên chia sẻ.

Đưa ra một ví dụ cụ thể, cô Khuyên cho biết chỉ tính riêng câu hỏi số 21 của đề thi mẫu, dù đặt bút nháp tắt, cô Khuyên cũng phải mất một trang giấy, nghĩa là hiểu kiến thức và biết cách làm cũng phải mất từ 5 đến 6 phút mới ra được đáp án để khoanh vào bài thi.

Phân tích về các dạng đề, cô Khuyên cho biết với ưu thế thi trắc nghiệm với số lượng câu hỏi lên đến 50 câu thay vì chỉ có 10 ý như thi tự luận trước đây, đề thi năm nay có cơ  hội đưa vào nhiều kiến thức mới, dạng bài mới.

Cấu trúc đề các năm gần đây gần như đóng đinh một số dạng, dồn về đại số, bất phương trình. Năm nay, kiến thức được Bộ rải đều nên học sinh tưởng có những dạng mới. Ví dụ, trước đây, các dạng liên quan đến lý thuyết không được hỏi.

Phần hình không gian trước đây chỉ có một bài nên chỉ ưu tiên hỏi các hình phổ biến như chóp, lăng trụ, giờ lượng câu nhiều hơn nên hỏi cả mặt nón, mặt trụ, khối cầu mặt cầu. Trước đây, phần mũ và logarit chỉ chiếm 1 câu với 0,5 điểm nhưng trong cấu trúc đề mẫu mới có 11 câu, chiếm 2,2 điểm. 

Năm nay, các bài toán thực tế cũng được đưa vào đề thi. Đây cũng là những câu hỏi khó trong đề, đòi hỏi học sinh có kiến thức vững vàng mới làm được bài, là những câu hỏi phân loại ở mức độ cao.

Theo cô Khuyên, với những thay đổi đó, giáo viên sẽ phải thay đổi cách dạy theo hướng kỹ lưỡng hơn và đồng đều ở các mảng. 

“Tôi lại đang lo lắng cho học sinh lớp 10 và 11 nhiều hơn, vì năm nay chỉ thi trong chương trình lớp 12 với 6 mảng kiến thức. Trong khi đó, theo lộ trình Bộ công bố, các năm sau sẽ thi kiến thức trong cả bậc trung học phổ thông, nghĩa là có tới 22 chuyên đề,” cô Khuyên chia sẻ.

Bài thi tổ hợp: Đề cơ bản

Trong khi đề môn Toán được đánh giá là khá khó để đạt điểm cao thì với các môn khoa học xã hội, giáo viên lại nhận định đề không quá khó.

Là một môn thi hoàn toàn mới trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Giáo dục công dân là môn được rất nhiều người quan tâm khi đề thi mẫu được công bố.

Tuy nhiên, đề được dư luận đánh giá khá tốt.

Theo cô Nguyễn Thị Dịu, giáo viên trường Trung học phổ thông Hoài Đức A, đề hoàn toàn vừa sức với học sinh.

“Đọc đề mẫu, tôi thấy nội dung tập trung chủ yếu vào phần giáo dục pháp luật, là trọng tâm của môn giáo dục công dân lớp 12. Tôi thấy đề không có gì khó khăn, chỉ cần chăm chỉ học là có thể đạt điểm cao. Trước khi các em trở thành công dân, việc nắm vững những kiến thức pháp luật là cần thiết,” cô Dịu nói.

Cũng theo cô Dịu, với môn giáo dục công dân, việc thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ dễ hơn thi tự luận. Học sinh có thể không cần học kỹ nhưng đọc kỹ đề là có thể làm được.

“Với 16 năm dạy môn giáo dục công dân, tôi không cảm thấy học sinh coi nhẹ môn của mình như dư luận băn khoăn. Tất nhiên, với việc đưa môn học này vào kỳ thi, giáo viên cũng sẽ phải thay đổi cách dạy. Bên cạnh việc dạy các em kiến thức để làm người, chúng tôi cũng sẽ phải lưu ý đến những kỹ năng để học sinh có thể làm bài tốt khi đi thi,” cô Dịu chia sẻ.

Tương tự, đề thi minh họa môn Lịch sử cũng phần nào giải tỏa nỗi lo của giáo viên. Đề thi được đánh giá là khá toàn diện, kiến thức trong chương trình lớp 12.

Đặc biệt, các câu hỏi không kiểm tra khả năng học thuộc lòng của học sinh mà kiểm tra kiến thức và sự hiểu biết của các em về vấn đề lịch sử.

Với các môn tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh, đề thi mẫu năm nay được đánh giá là cơ bản. Theo thạc sỹ Phạm Quốc Toản, giáo viên môn vật lý, Trung tâm luyện thi 24/7, các câu hỏi đều bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12, không có câu quá khó nên học sinh có thể yên tâm với các môn tổng hợp khoa học tự nhiên

“Nếu giữ nguyên tinh thần của đề minh họa thì 50 phút 40 câu là hết sức khả thi, có tính phân loại với đối tượng học sinh trung bình và học sinh khá. Tuy nhiên để phân loại học sinh giỏi và xuất sắc thì e rằng hơi khó. Số lượng điểm tuyệt đối có lẽ là tăng lên rất nhiều,” ông Toản cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục