Thi tốt nghiệp THPT 2020: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Lãnh đạo nhiều địa phương cho biết đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 an toàn và nghiêm túc.
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Một điểm mới đáng chú ý trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 là tăng cường tính tự chủ của các địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.

Cùng với đó, công tác thanh-kiểm tra cũng được tăng cường với nhiều cấp thanh tra nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch và đúng quy chế.

Phòng ngừa sai phạm từ khâu chuẩn bị đến tổ chức kỳ thi

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay có 4 mục đích trọng tâm: Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; phòng ngừa sai phạm từ khâu chuẩn bị đến tổ chức kỳ thi; giúp các cấp, chủ thể tổ chức kỳ thi đúng với mục tiêu, tính chất; góp phần tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công khai, minh bạch.

Để đạt được mục đích trên, 5 yêu cầu đối với công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của cả 3 cấp (Bộ, tỉnh, sở) là bảo đảm tính độc lập ở mọi cấp thanh tra, kiểm tra; phân rõ trách nhiệm từng cấp thanh tra, kiểm tra, đảm bảo rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm.

Mọi công đoạn của công tác thi đều được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất là không có khoảng trống, điểm mờ. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng với chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao.

100% cán bộ phải được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, nếu đạt yêu cầu mới được tham gia thanh tra thi.

Có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 cấp gồm Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, thanh tra tỉnh, thanh tra sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như phối hợp với lực lượng khác cùng tham gia tổ chức kỳ thi.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, công tác thanh tra, kiểm tra đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khâu chuẩn bị đến tổ chức triển khai.

Năm nay, Chính phủ giao các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi, nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng thay đổi.

Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay là có thêm lực lượng thanh tra cấp tỉnh. Cùng với đó, năm nay, dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi nhưng cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, ít nhất mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên đại học về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

[Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ diễn ra từ 9-10/8]

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này.

Hướng dẫn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với 63 tỉnh, thành phố về việc tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên.

Căn cứ vào phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, từng thành viên trong ban chỉ đạo, hội đồng thi phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ một cách cụ thể, chi tiết.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý một số khâu như in sao, vận chuyển đề thi; bảo quản đề thi, bài thi.

Nhà trường chủ động có kế hoạch để giáo viên tham gia coi thi được tập huấn, phát huy trách nhiệm, tránh vì không hiểu quy chế thi hoặc có lý do cá nhân dẫn đến việc thực hiện không nghiêm túc; hoặc thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong xử lý tình huống.

Về phía các tỉnh, thành phố, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An chia sẻ, Nghệ An có khoảng 32.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020, dự kiến bố trí 60 điểm thi. Số nhân sự tham gia kỳ thi được huy động khoảng 5.000 người.

Đánh giá cao và thể hiện sự thống nhất với Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành, đặc biệt là chủ trương giao kỳ thi về cho địa phương, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, Nghệ An sẽ chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ngành giáo dục sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức kỳ thi trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội dự kiến có 80.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 2.000 thí sinh so với năm trước.

Thành phố xác định việc tổ chức kỳ thi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Do đó, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đang được tích cực triển khai, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020; xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức kỳ thi bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm.

Hà Nội cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn Quy chế thi cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi, đồng thời phổ biến Quy chế tới toàn bộ thí sinh tham gia kỳ thi nhằm bảo đảm mọi thí sinh đều nắm vững các nội dung của Quy chế và chấp hành nghiêm túc.

Với quy mô thí sinh dự thi lớn, Hà Nội dự kiến chuẩn bị hơn 3.300 phòng thi đầy đủ cơ sở vật chất. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên dự kiến được huy động tham gia các khâu của kỳ thi là hơn 10.000 người, trong đó có 8.700 người là cán bộ, giáo viên, số còn lại là nhân viên phục vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục