Thi tốt nghiệp THPT: Lên giây cót trước "giờ G"

Ngày mai (1/6), học sinh khối 12 của cả nước sẽ đến trường nhận phòng thi, số báo danh cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngày mai (1/6), học sinh khối 12 của cả nước sẽ đến trường nhận phòng thi, số báo danh cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Cả thầy và trò đang tích cực chuẩn bị sẵn sàng cả tinh thần và thể chất trước giờ G.

Trường, sở kiểm tra lần chót


Thời điểm này, các trường đang kiểm tra lần chót mọi công tác chuẩn bị cho thi cử, từ cơ sở vật chất, niêm phong phòng thi đến phổ biến quy chế, bố trí lực lượng coi thi, bảo vệ an ninh…

Toàn tỉnh Bắc Ninh năm nay có gần 16.200 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT với 677 phòng thi. Theo bà Nguyễn Thị Hương Trang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh, tỉnh vừa kiểm tra lần cuối cùng các điểm thi, tập huấn nghiệp vụ thi cho các cán bộ các hội đồng thi. Đối với giám thị, sở yêu cầu phải nắm vững quy chế và  mỗi người phải có một bản photo quy chế khi làm nhiệm vụ.

Năm nay, điều kiện cơ sở vật chất của Bắc Ninh thuận lợi hơn nhiều khi không phải tổ chức thi tại các trường trung học cơ sở. Năm 2009, Bắc Ninh có tới 100 điểm thi ở các trường cấp hai. “Bàn ghế của cấp hai không vừa với vóc dáng của học sinh cấp ba nên khi thi, các em sẽ khó viết hơn. Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em làm bài, năm nay sở đã cố gắng hoàn thiện hơn cơ sở vật chất cho các trường THPT để 100% các điểm thi đều là trường cấp ba,” bà Trang chia sẻ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa hoàn tất công tác kiểm tra thi. Phó Giám đốc Sở Lê Hồng Sơn cho biết, tất cả 108 hội đồng thi đều đã sẵn sàng chào đón hơn 66.000 thí sinh của thành phố.

Với hơn 81.000 thí sinh dự thi, Hà Nội là địa phương có lượng thí sinh nhiều nhất cả nước trong mùa thi tốt nghiệp THPT năm nay. Mặc dù chỉ có 10 thanh tra Bộ nhưng theo ông Nguyễn Đức Vui, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sở "tung" tới 400 thanh tra của mình đi các hội đồng để giữ gìn kỷ luật thi cử.

So với các tỉnh trên, Cao Bằng có lượng thí sinh khiêm tốn hơn với trên 8.600 em, chia làm 24 cụm. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Giám đốc Sở  Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, do địa hình miền núi phức tạp nên việc lập các hội đồng thi dựa trên nguyên tắc đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho các em trong việc đi lại, ăn ở. Vì thế, sở đã bố trí 10 trường thi thành 10 điểm lẻ.  

Năm 2009, Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng 23% so với năm 2008, cao nhất cả nước. Mùa thi năm nay, với quyết tâm tiếp tục giữ thành tích này, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã điều động lực lượng giáo viên của các trường thuận lợi đến hỗ trợ các vùng khó khăn. Chẳng hạn, giáo viên Trường THPT Chuyên Cao Bằng đến ôn tập cho học sinh THPT Bảo Lâm, là trường chỉ có 20% học sinh tốt nghiệp THPT năm 2009.

“Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức các buổi hội thảo về cách ôn tập từng môn học sao cho hiệu quả trong quy mô toàn tỉnh. Từ đó, các giáo viên sẽ có điều chỉnh phù hợp trong cách dạy,” ông Tân cho biết.

Học sinh tinh thần sẵn sàng

Môn thi được nhiều thí sinh quan tâm hơn cả là sử và địa vì lượng kiến thức học thuộc nhiều.

Dành riêng hai tiếng mỗi ngày để học sử và địa, hiện Trang (một học sinh khối D, lớp 12, trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội) đã “hòm hòm” kiến thức.

Lục lại túi đồ dùng học tập, kiểm tra bút, máy tính, Trang chia sẻ: “Em phải chuẩn bị đến 10 chiếc bút bi cho ba ngày thi, lỡ đâu bút tắc mực hoặc có  bạn nào thiếu thì cho mượn. Chỉ còn đúng một ngày nữa kỳ thi sẽ bắt đầu. Dù đã sẵn sàng tinh thần và không quá lo lắng nhưng em vẫn thấy rất hồi hộp,” Trang chia sẻ.

Đây cũng là tâm trạng của Phạm Văn Thuân, học sinh Trường THPT Bắc Kiến Xương, Thái Bình. Biết lực học của mình chỉ ở mức trung bình nên ngay từ đầu năm học, Thuân đã cố gắng để có thể tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp.

Vừa đưa bút vẽ trục tiến trình lịch sử Việt Nam giai đoạn 1911 đến 1975 trên giấy nháp, Thuân vừa cười nói: “Em biết hôm nay đã quá cận ngày thi, có cố gắng học thêm cũng khó nhồi nhét được chữ nào vào đầu, nhưng cứ cất sách vở đi thì lại thấy không yên tâm.”

Khác với Trang và Thuân, Trần Ngọc Quyên, học sinh lớp 12 Khối trung học phổ thông chuyên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ: “Em mới bắt đầu ôn sử, địa từ cách đây… hai tuần.”

Quyên cho biết, không chỉ riêng mình em mà rất nhiều học sinh cùng trường cũng tương tự. Mặc dù trường có tổ chức ôn tập thêm sử, địa vào các buổi chiều nhưng học sinh buổi đi, buổi nghỉ.

Dù không nắm vững toàn bộ kiến thức nhưng có lợi thế là các môn chuyên cũng như năng lực học tập nên hầu hết học sinh chuyên tỏ ra khá lạc quan. “Đối với các môn sử, địa, chỉ cần cố gắng đạt điểm 5, hoặc cùng lắm là không để bị điểm liệt, chúng em sẽ cố gắng làm bài tốt ở các môn tự nhiên để kéo điểm lên. Quan trọng nhất lúc này là phải giữ để không bị ốm,” Quyên cho biết.

Theo số liệu thống kê mới nhất được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật đến ngày hôm qua, 30/5, thì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cả nước có trên một triệu thí sinh dự thi, trong đó có trên 31.500 em sẽ thay thế môn ngoại ngữ bằng môn vật lý. Tổng số giám thị được huy động là gần 128.700 người./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục