Thị trường bán lẻ VN: Sức hấp dẫn vẫn ở phía trước

Theo tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, ở tầm dài hạn thị trường bán lẻ VN còn phát triển rất mạnh mẽ.
Năm 2011 dù kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút nhưng tổng mức lưu chuyển hàng hóa vẫn đạt 2.004 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2010.

Trao đổi với Vietnam+, tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, năm 2012, dấu hiệu khủng hoảng vẫn chưa kết thúc, nhưng từ góc độ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cùng với các thành viên vẫn nhìn thấy ở tầm dài hạn thị trường bán lẻ Việt Nam còn phát triển rất mạnh mẽ.

Xin bà cho biết các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển thế nào?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: "Lớn mạnh rất nhiều", có thể thấy điều đó không chỉ thể hiện qua con số về hệ thống các siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh, các cửa hàng tiện lợi... mà còn cả của hệ thống bán lẻ truyền thống. Bà con tiểu thương cũng đã chú trọng hơn đến việc nâng cấp chất lượng, thái độ phục vụ tốt hơn rất nhiều.

Mặc dù khó khăn nhưng các thành viên của hiệp hội bán lẻ vẫn đang nỗ lực để mở rộng các điểm, mạng lưới bán hàng, dấu hiệu đó cho thấy là chúng ta vẫn đang tiến về phía trước.

Nhận xét chung thì chúng tôi cũng khẳng định vị trí và vai trò của ngành công nghiệp phân phối và bán lẻ trong nền kinh tế của đất nước. Nhưng nếu nhìn nhận một cách nghiêm khắc thì còn nhiều điểm chúng ta vẫn chưa làm được như mong muốn và phát triển như kỳ vọng.

Thực tế là thị trường bán lẻ của chúng ta mới chỉ phát triển ở giai đoạn đầu, vẫn còn nhiều mảnh đất, không gian để phát triển, sức mua của người dân ngày càng lớn. Bên cạnh đó, kênh bán lẻ hiện đại vẫn chiếm chưa đầy 20% thị phần là một trong những cơ sở để thị trường bán lẻ và các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng thị trườn tốt hơn, đặc biệt là thị trường nông thôn, chúng ta vẫn chưa thật sự khai phá hết.

Một trong những yếu điểm vẫn là tính chuyên nghiệp của đội ngũ bán hàng, và điểm nhức nhối của ngành công nghiệp bán lẻ hiện nay là mặt bằng bán lẻ, logistics như kho tàng, bến bãi thì phân tán, hoạt động không hiệu quả và lượng dự trữ còn rất mỏng. Đơn cử là việc dự trữ từ nơi này đi đến nơi kia thì mạng lưới hoạt động rất khó khăn, chi phí bán hàng bị đội lên rất nhiều ... rất khó để ngành bán lẻ phát triển được.

Vậy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua ra sao, nhất là sau thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ từ 1/01/2009?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: Thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua luôn được đánh giá là có sức thu hút đầu tư không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà còn cả các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan về kinh tế nên thời gian vừa rồi kể từ khi mở cửa thị trường bán lẻ (1/1/2009) nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn vào chưa nhiều.

Cho đến gần đây, ngoài các điểm bán của BigC và Metro có từ trước và tiếp tục mở rộng mạng lưới của họ thì cũng có thêm một số nhà đầu tư khác như Lotte, E-Mart (Hàn Quốc) đã vào thị trường Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng hàng Việt tại các chợ truyền thống rất khó tồn tại, vậy theo bà nguyên nhân từ đâu?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: Qua buổi tọa đàm hàng Việt ở chợ Đồng Xuân mới đây, thì chúng ta thấy rõ một điều là các bên rất ủng hộ hàng Việt, từ người sản xuất-cung ứng hàng hóa vào chợ, đến các tiểu thương là người kinh doanh, cũng như người mua hàng và cả cơ quan chức năng lẫn hiệp hội bán lẻ đều mong muốn, nhưng điểm mấu chốt là chúng ta chưa kết nối cũng như giải tỏa được vấn đề là: Từ cái muốn ấy về mặt ý thức thì biến thành hành động như thế nào?

Đơn cử là bà con tiểu thương rất muốn có một cơ chế "mềm", cơ chế linh hoạt để đưa hàng Việt vào chợ truyền thống bán, vì là tiểu thương (doanh nghiệp nhỏ) nên không thể đủ tiền để mua đứt bán đoạn, không đủ tiền để mua một lô hàng lớn cho nên các nhà cung cấp hàng của Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cũng phải hết sức linh hoạt với khối lượng nhỏ, cho bà con trả chậm một thời gian, thậm chí là cho đổi hàng nếu không bán được, hàng tồn được đổi hàng mới. Nếu không cứ để tiểu thương phải chạy theo nhà cung ứng hỏi hàng thì rất khó kết nối.

Một điểm nữa là chúng ta cứ tưởng chúng ta có thừa hàng Việt, thực ra hàng Việt không có đủ để bán, còn nếu có thì mẫu mã rất chậm cải tiến, trong khi chúng ta lại đứng cạnh một ông "to đùng" là Trung Quốc với mẫu mã không bao giờ bị lập lại, hơn nữa sự linh hoạt của hàng Việt cũng không có, bên cạnh là giá thì vẫn cao ngất ngưởng và phải là người trung lưu mới mua được.

Thời gian qua đã có nhiều chuyến hàng Việt được đưa về nông thôn, theo bà để thành công tại thị trường này thì cần quan tâm đến vấn đề gì?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: Điểm đầu tiên, các doanh nghiệp sản xuất có hai lựa chọn để đưa hàng của họ đến với người tiêu dùng. Thứ nhất họ phải tự tổ chức ra mạng lưới bán lẻ và thứ hai là họ có thể đưa vào kênh bán hàng của các doanh nghiệp bán lẻ, thì mạng lưới lớn mới có tiềm lực, vốn và khách hàng.

Nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ (ít có tên tuổi), thì chúng tôi khuyên họ không nên đưa hàng Việt về nông thôn một cách riêng lẻ vì không thể chịu được chi phí, nhân lực nguồn lực mà phải tập hợp lại với nhau có sự trợ giúp của các doanh nghiệp lớn.

Riêng đối với các doanh nghiệp lớn, hiệp hội cũng đề xuất nên khôi phục lại mạng lưới bán lẻ trước đây như đã đưa về các phường xã, đó là hình thức các hợp tác xã mua bán để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, dầu ăn, hàng tiêu dùng...

Hiệp hội đã kiến nghị giao cho CoopMart, một doanh nghiệp chuyên về hợp tác xã mua bán và đơn vị này đang liên doanh với Singapore để mở những điểm này bán hàng bình dân, giá rẻ. Nếu khôi phục lại được như thế thì hiệp hội sẽ đứng ra lo một phần vốn và nhà nước hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất.

Thị trường nông thôn có tiềm năng rất lớn và sức mua cũng đang tăng lên nên cũng cẫn phải có mạng lưới kinh doanh rất chặt chẽ chứ không thể theo kiểu "gióng trống mở cờ".

Xin cảm ơn bà./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục