Thị trường bàng quan trước thông tin vĩ mô

Bỏ lại sau lưng những thông tin vĩ mô “màu hồng,” VN-Index đã có một tuần lao dốc, giảm tổng cộng 10,16 điểm. HNX-Index cũng có một tuần trượt nhẹ 2,2 điểm.

Thông tin vĩ mô theo “cánh chim nhạn” tới tấp bay về thị trường, từ bên kia bờ đại dương chứng khoán Phố Wall cho thấy chiều hướng hồi phục nhờ vào những tín hiệu lạc quan được phát đi từ nền kinh tế Mỹ.

Trong nước, các công ty niêm yết liên tiếp đưa ra các báo cáo sớm về kết quả lợi nhuận kinh doanh vượt xa kế hoạch kỳ vọng. Thêm vào đó là các chính sách điều tiết vĩ mô của chính phủ đang ngấm dần vào đời sống và tình hình kinh tế hiện đã từng bước được cải thiện.

Gần hơn với thị trường là động thái tích cực mua của các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu tháng 7 tới nay, khối ngoại mua ròng vào 15,74 triệu chứng khoán với giá trị 823 tỷ đồng.

Theo thống kê của công ty chứng khoán KLS, các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua vào nhiều vẫn tập trung tại các cổ phiếu blue-chip như: STB, HPG, VNM, BVH...

Nhưng bỏ lại sau lưng những thông tin vĩ mô “màu hồng,” VN-Index đã có một tuần lao dốc, giảm tổng cộng 10,16 điểm, đóng cửa phiên chốt tuần tại mốc 428,67 điểm. Theo đó, HNX-Index cũng có một tuần trượt nhẹ 2,2 điểm về ngưỡng 144,17 điểm.

Lo ngại về tính thanh khoản

Mối nghi ngại của các nhà đầu tư đang hướng về sức bật của dòng tiền sẽ gặp nhiều trở ngại trong thời điểm từ nay trở về tới cuối năm.

“Kinh tế trong nước cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn trong lĩnh vực tài chính. Mới đây trong văn bản số 193/TB-VCCP Thủ tướng đã yêu cầu giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống 25-27% để nhằm khống chế lạm phát ở mức 1 con số trong năm 2009.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã đạt mức 17,01%, như vậy từ giờ đến cuối năm tín dụng chỉ được phép tăng trưởng thêm từ 8 – 10%. Vì vậy, mặc dù nhiều báo cáo tài chính của các công ty niêm yết được công bố khả qua vượt ngoài kỳ vọng, nhưng giá cổ phiếu trên sàn lại không tăng như mong đợi của các nhà đầu tư.

Điển hình như STB, SSI, HAG… sau khi công bố lợi nhuận lớn gấp nhiều lần kỳ trước thì giá cổ phiếu lại giảm, khối lượng giao dịch đạt thấp. Dấu hiệu này cho thấy các nhà đầu tư đã không trông chờ nhiều vào kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết, mà trong giao đoạn này họ quan tâm nhiều đến chính sách tín dụng của nhà nước, cụ thể là việc siết vốn của các ngân hàng và kế hoạch giải chấp đang cận kề khi VN-Index có khả năng đe dọa mốc 400 điểm, theo lời công ty KLS.

Tuy nhiên, tín dụng trong đầu tư chứng khoán cũng có thể xem là một lý do khách quan, bởi yếu tố chủ quan đang tác động đến tính thanh khoản của thị trường lại là tâm lý “chờ đợi” của giới đầu tư. Bằng chứng chỉ ra rằng, mỗi khi thị trường có cơ hội tăng trưởng thì này lập tức nhà đầu tư bằng cách này hay cách khác họ vẫn có cách xoay xở nguồn tài chính để kịp thời nhảy vào thị trường.

Công ty chứng khoán FPT nhận định “Điều đáng chú ý là thanh khoản của thị trường tiếp tục suy giảm, đặc biệt trong những phiên tăng điểm. Đây là hiện tượng không hợp với quy luật bởi thông thường khi thị trường tăng tính thanh khoản sẽ cải thiện, điều đó cho thấy dù thị trường tăng nhưng đại bộ phận nhà đầu tư cho rằng nó sẽ khó tăng mạnh trong ngắn hạn nên không sẵn sàng thực hiện các lệnh mua”.

Hy vọng dựa vào yếu tố bên ngoài

Đa phần các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán hay các công ty tư vấn độc lập hầu hết đều khuyên khách hành của mình “kiên nhẫn chờ đợi đến khi xu thế thị trường trở nên rõ ràng hơn”.

“Nội lực” đã không còn là nhân tố dẫn dắt mà dường như trên thực tế niềm hy của thị trường lại đang hướng sang yếu tố “ngoại lực”.

FPT cho rằng, trong thời gian gần đây nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng và duy trì giá trị mua ròng mỗi phiên khoảng 50 - 70 tỷ đồng. Do giá trị và khối lượng giao dịch toàn thị trường sụt giảm mạnh khiến tỷ trọng tham gia của họ trên thị trường ngày một gia tăng. Nếu thanh khoản thị trường còn suy giảm thì nhà đầu tư nên theo dõi động thái của khối ngoại bởi có thể đến lúc đó họ sẽ quyết định xu hướng của thị trường.

Cũng theo FPT, “thị trường tài chính quốc tế hiện có những luồng tư tưởng cho rằng nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng. Đó cũng là nhân tố chính tác động giúp cho thị trường chứng khoán Mỹ có tuần giao dịch rất thành công vừa qua. Chúng tôi cho rằng nếu luồng tư tưởng này được củng cố trong thời gian tới thì sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam”./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục