Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều

Chứng khoán châu Á biến động bất nhất do bị chi phối bởi khả năng Mỹ có thể tránh khỏi “vách đá tài chính,” và Pháp bị hạ mức tín nhiệm.
Khép lại phiên giao dịch ngày 20/11, các thị trường chứng khoán châu Á biến động bất nhất, khi mà tâm lý của giới đầu tư bị chi phối bởi hai nhân tố chính, một là lòng tin ngày càng vững chắc vào khả năng các nghị sỹ Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh khỏi “vách đá tài chính,” trong khi hãng xếp hạng tín dụng Moody’s lại vừa hạ mức đánh giá tín nhiệm của Pháp- nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Sau khi tăng khoảng 5% trong ba phiên trước, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại đóng cửa phiên này với mức giảm 10,56 điểm, tương đương 0,12%, xuống còn 9.142,64 điểm, do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh mẽ, cũng như sự thất vọng của nhiều nhà kinh doanh khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn chưa công bố bất cứ biện pháp nới lỏng tiền tệ nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này sau cuộc họp chính sách mới nhất.

Trong khi đó, tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX200 lại ghi thêm 24,3 điểm (0,56%), lên 4.385,7 điểm; còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 12,08 điểm (0,64%), chốt ở mức 1.890,18 điểm.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại cùng kết thúc phiên giao dịch 20/11 với “sắc đỏ,” do xu hướng bán tháo diễn ra ồ ạt. Đóng cửa phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt hạ 8,06 điểm (0,40%) và 33,78 điểm (0,16%), xuống còn 2.008,92 điểm và 21.228,28 điểm.

Đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu trong phiên trước đã tạo thêm động lực giúp thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục khởi sắc trong ngày giao dịch 20/11, giữa bối cảnh Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của Mỹ đã lần đầu tiên cam kết sẽ phối hợp để thảo luận về vấn đề ngân sách, nhằm giúp nước này tránh khỏi “vách đá tài chính,” với các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công dự kiến sẽ được thực hiện từ tháng 1/2013.

Điều này đã củng cố thêm lòng tin cho giới đầu tư vào khả năng các nghị sỹ của hai chính đảng Mỹ sẽ sớm đi đến một thỏa thuận chung nhằm đẩy lùi nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, mối lo ngại về tình hình tài chính tại châu Âu vẫn tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu, nhất là sau khi hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vừa quyết định hạ bậc đánh giá tín nhiệm của Pháp từ mức AAA xuống Aa1, với nhận định triển vọng tiêu cực.

Động thái này của Moody’s diễn ra sau khi Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's cũng đưa ra quyết định tương tự vào hồi tháng 1 năm nay. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone cũng đang phải “vật lộn” với nhiều khó khăn, khiến khả năng thoát khỏi cơn bão nợ công của liên minh tiền tệ gồm 17 nước thành viên này càng trở nên mờ mịt.

Đêm trước (19/11), hy vọng các nghị sỹ Mỹ sớm thỏa hiệp để giải quyết tình trạng bế tắc tài chính, cùng với kết quả làm ăn khả quan hơn của các doanh nghiệp và đà phục hồi ấn tượng của thị trường bất động sản là những nguyên nhân chính giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng mạnh nhất trong nhiều tháng qua.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh 207,65 điểm (1,65%), lên mức 12.795,96 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 27,01 điểm, tương đương 1,99%, lên 1.386,89 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 62,94 điểm (2,21%), đóng cửa ở mức 2.916,07 điểm. Đây là lần tăng giá mạnh nhất của Dow Jones và S & P 500 kể từ đầu tháng 9/2012 và là lần tăng giá mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 7/2012.

Đáng chú ý là chỉ số AAPL của tập đoàn công nghệ máy tính Apple, thành viên trong nhóm cổ phiếu Nasdaq tăng mạnh nhất, tới 7,2%, trong khi cổ phiếu BAC của Bank of America, thành viên trong nhóm cổ phiếu Dow Jones, cũng tăng tới 4,06%.

Cố vấn cao cấp của tập đoàn đầu tư bất động sản BlackRock, Bob Doll cho biết nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán là do họ nhận thấy những tín hiệu lạc quan từ cuộc đàm phán mới đây giữa chính quyền của Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ với phe Cộng hòa, qua đó cho thấy nhiều khả năng hai bên có thể đạt được một thỏa hiệp về cắt giảm ngân sách và tăng thuế trước ngày 1/1/2013.

Ngoài ra, Phố Wall cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ hai số liệu tích cực ngoài dự báo của thị trường nhà ở tại Mỹ. Cụ thể, theo Hiệp hội Các nhà kinh doanh bất động sản, doanh số nhà chờ bán của Mỹ trong tháng 10/2012 đã tăng 2,1% lên 4,79 triệu căn, so với mức 4,69 triệu căn trong tháng Chín. Giá nhà trung bình tháng 10 cũng tăng 11,1% so với tháng trước đó.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lên điểm, nối gót đà tăng mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán Mỹ.

Tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 2,36%, lên 5.737,66 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tiến thêm 2,93%, đóng cửa ở mức 3.439,58 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng ghi thêm 2,49%, đóng cửa ở mức 7.123,84 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục