Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm

Chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm khi số liệu về chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ làm gia tăng nghi ngờ về sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 2/11, chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm khi những số liệu về chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ làm gia tăng những nghi ngờ về sự phục hồi của kinh tế Mỹ và vụ phá sản của CIT Group tác động đến cổ phiếu ngân hàng.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) giảm 1,5%, chạm mức thấp trong một tháng.

Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản dẫn đầu đà sụt giảm của khu vực, khi đóng cửa ở 9.802,95 điểm, giảm 231,71 điểm, hay 2,3%. Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 132,68 điểm, hay 0,61%, xuống 21.620,19 điểm.

Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 102,8 điểm, hay 2,2%, xuống 4.540,4 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng cửa thấp hơn 21,6 điểm, hay 1,37%, xuống 1.559,09 điểm, sau khi mất 1,6%, chạm mức thấp trong hai tháng vào phiên giao dịch trước.

Thượng Hải là thị trường duy nhất ở khu vực lên điểm, với chỉ số Shanghai Composite tăng 80,8 điểm, hay 2,7%, lên 3.076,65 điểm.

Cổ phiếu của ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. lớn nhất Nhật Bản giảm 2,9%, còn các cổ phiếu của National Australia Bank Ltd. tại Sydney và HSBC Holdings tại Hongkong giảm lần lượt 3,3% và 1,5%.

Trong khi đó, những lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ và đồng yên lên giá đã tác động đến các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Cổ phiếu của Sony Corp. giảm 5,6%, mặc dù công ty này báo cáo mức lỗ 26,3 tỷ yên (289 triệu USD) trong quý III/09, thấp hơn so với dự báo.

Một số nhà đầu tư cho rằng những biến động trên thị trường là còn do việc bán ra chốt lời và những thay đổi về danh mục đầu tư trước cuối năm. Chiến lược gia về lãi suất và tiền tệ châu Á Patrick Bennett ở Societe Generale tại Hongkong dự đoán hoạt động bán ra chốt lời đối với các khoản đầu tư rủi ro sẽ tăng mạnh trong tuần này và vào cuối năm.

Phố Wall chứng kiến sự sụt giảm cuối tuần trước, sau khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng trong tháng 9/09 giảm 0,5% và thu nhập cá nhân không thay đổi so với tháng 8/09. Lòng tin tiêu dùng giảm khiến các nhà đầu tư có lý do để tin rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ chưa thể chi tiêu mạnh tay trở lại như trước khủng hoảng.

Thêm vào đó, ngày 1/11, CIT Group, nhà cho vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều tháng chống cự, lại làm dấy lên lo ngại về lĩnh vực tài chính Mỹ.

Đây là một trong những vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước này, cùng với Lehman Brothers, Washington Mutual, WorldCom và General Motors./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục