Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống

Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong bối cảnh giới đầu tư ngần ngại mua vào các tài sản có độ rủi ro cao.
Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 23/6, trong bối cảnh giới đầu tư ngần ngại mua vào các tài sản có độ rủi ro cao trước thời điểm diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Cuộc họp với chương trình nghị sự có thể sẽ tập trung thảo luận cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm 0,7%, trong đó dẫn đầu đà đi xuống là cổ phiếu khối tiêu dùng, nâng tổng mức giảm kể từ đầu tháng Năm đến nay lên 8,2%, mạnh hơn so với mức giảm 6,9% của toàn thế giới.

Kinh tế Mỹ đang giảm tốc, song FED tuyên bố sẽ không đưa ra thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng vào thời điểm này, ngay cả khi Ngân hàng trung ương Anh khiến giới giao dịch không khỏi ngạc nhiên khi cho biết ngân hàng đang cân nhắc triển khai một chương trình nới lỏng định lượng mới.

Theo giới phân tích, những bình luận của Chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng một số vấn đề đang kìm hãm nền kinh tế Mỹ có lẽ có tác động mạnh hơn và dai dẳng hơn dự kiến đã khiến giới đầu tư quay lưng lại với thị trường chứng khoán.

Jackson Wong, Phó Chủ tịch công ty chứng khoán Tanrich Securities ở Hong Kong nhận xét, thị trường đã có bước phục hồi khá tốt trong hai phiên 21 và 22/6 trước hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ở châu Âu có thể được cải thiện chút ít, nhưng hiện nay, tất cả những kỳ vọng đó đã bị lu mờ, và thị trường đang hướng sự chú ý tới nền kinh tế Mỹ hiện đang giảm tốc mạnh hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, gây sức ép lên thị trường còn là thông tin của sự tăng trưởng tại khu vực chế tạo của Trung Quốc gần như đã chững lại trong tháng Sáu với Chỉ số Quản lý Sức mua sơ bộ do ngân hàng HSBC công bố đã giảm từ 51,6 điểm của tháng trước đó xuống 50,1 điểm, do nhu cầu toàn cầu giảm sút.

Điều này đã thúc đẩy giới đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro khỏi danh mục vốn, thậm chí có thể sẽ giữ ở mức tối thiểu, ít nhất cho tới khi triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm sáng sủa hơn.

Adrian Foster, đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính thuộc ngân hàng Rabobank cho biết, thị tường đã có nhiều đợt tăng giảm mạnh nhưng nếu nhìn lại có thể thấy thị trường hầu như đi ngang trong vài tháng qua.

Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei-225 giảm 32,69 điểm (0,34%) xuống 9.596,74 điểm, khi những kỳ vọng về triển vọng kinh doanh tích cực của các hãng chế tạo ôtô bị lu mờ bởi những đánh giá đáng thất vọng của FED về tình hình sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

Vào đầu phiên, thị trường hoạt động trong vùng tích cực trước khả năng các hãng ôtô sẽ có sự phục hồi mạnh sau khi phải giảm mạnh sản lượng do ảnh hưởng của trận động đất-sóng thần hôm 11/3.

Tuy nhiên, tâm lý thị trường nhìn chung vẫn xấu đi sau khi FED hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và ông Bernanke không tỏ dấu hiệu gì về việc sẽ thực hiện một đợt nới lỏng định lượng thứ ba.

Toshikazu Horiuchi, chiến lược gia của công ty chứng khoán Cosmo Securities nhận định, tâm lý thị trường rõ ràng đang chuyển biến tích cực, nhưng giới đầu tư vẫn đang chờ xem các thị trường toàn cầu sẽ phản ứng thế nào trước việc FED sẽ kết thúc chương trình nới lỏng định lượng vào cuối tháng này.

Tại thị trường chứng khoán Hong Kong, chỉ số Hang Seng để mất 100,83 điểm (0,46%) xuống 21.759,14 điểm, trong đó cổ phiếu khối ngân hàng giảm mạnh nhất, một ngày sau khi Trung Quốc đại lục thừa nhận rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong tháng này, dấy lên khả năng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong phiên này, chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul cũng giảm 8,04 điểm (0,39%) xuống 2.055,86 điểm; còn chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney giảm 32,1 điểm (0,71%) xuống 4.500,5 điểm.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Thượng Hải lại đi ngược xu hướng với chỉ số Shanghai Composite tăng 38,93 điểm (1,47%) lên 2.688,25 điểm, và theo chân là các thị trường chứng khoán New Zealand, Singapore và Malaysia. Còn các thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Đài Loan, Indonesia và Philippines đều đi xuống./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục