Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm

Sáng 24/11, theo sau đà giảm điểm của chứng khoán Mỹ đêm trước, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đi xuống.
Sáng 24/11, theo sau đà giảm điểm của chứng khoán Mỹ đêm trước, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đi xuống.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo mở cửa giảm 125,32 điểm (1,51%) xuống 8.189,42 điểm, sau khi kết quả chào bán trái phiếu của Chính phủ Đức cho thấy nhu cầu yếu nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành. Điều này càng "đào sâu" mối lo sợ của các nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro (Eurozone).

Trong phiên chào bán trái phiếu hôm 23/11, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ bán được lượng trái phiếu trị giá 3,64 tỷ euro trên tổng mệnh giá dự kiến bán ra là 6 tỷ euro.

Sự thất bại của phiên chào bán trái phiếu này được một số chuyên gia trên thị trường coi như một thảm họa thực sự, bởi đây là dấu hiệu chứng tỏ ngay cả nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đối đầu với nhiều rủi ro khi khủng hoảng lan rộng. Trái phiếu Đức vốn được đánh giá là hấp dẫn vì độ an toàn và tính thanh khoản cao.

Trước mối lo sợ về "cơn bão nợ" tại châu Âu và sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế trong nước, mở cửa phiên 24/11 tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) giảm 17,66 điểm (0,74%) xuống 2.377,41 điểm.

Trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong giảm 141,45 điểm (0,79%) xuống 17.722,98 điểm.

Đêm trước tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall trượt sâu, trước thông tin tiêu cực từ Đức, một đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Chốt phiên 23/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 236,17 điểm (2,05%) xuống 11.257,55 điểm; còn S&P 500 đánh mất 26,25 điểm (2,21%) xuống 1.161,79 điểm.

Robert Brusca, nhà kinh tế trưởng thuộc FAO Economics nhận định sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ tại "lục địa già," sau khi phiên chào bán trái phiếu của Đức thất bại chứng tỏ giới đầu tư đang đòi hỏi mức lãi suất cao hơn kể cả đối với nền kinh tế trụ cột của Eurozone.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ còn chịu sức ép trước số liệu không mấy khả quan của kinh tế Trung Quốc.

Theo khảo sát sơ bộ của ngân hàng HSBC, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất trong 32 tháng qua, do lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc giảm từ 51 điểm trong tháng 10 xuống 48 điểm trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Chỉ số về đơn đặt hàng mới nói chung giảm mạnh nhất trong 36 tháng, xuống dưới 50 điểm. Số liệu này lại làm dấy lên lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh cứng," còn kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục