Thị trường chứng khoán: Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu

"Mặc dù thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đang phát triển... Sự ra đi của một số dòng vốn có thể là do yếu tố tâm lý.”

“Mười năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị thị trường đạt 40% GDP như hiện nay, theo chúng tôi mới chỉ là khởi đầu. Trong 3 năm tới đây, chúng tôi tin con số này sẽ tới 70% GDP,” ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital dự báo.
“Mười năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua biết bao khó khăn và giờ đây có thể khẳng định, con thuyền thị trường đang đi đến những thành công,” đó là những lời chia sẻ của Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng trong buổi tọa đàm “10 năm đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam” do Ủy ban và Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam cùng phối hợp tổ chức ngày 11/7.

Đã qua "đận" vừa làm, vừa học

Nhìn lại thập kỷ đầu tiên hình thành và phát triển thị trường, theo ông Lê Văn Châu, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán cho rằng, có được một thị trường chứng khoán ra đời là cả một quá trình mất nhiều thời gian để chuyển từ nhận thức tới hành động.

Ông Châu nhớ lại "thời điểm năm 1997, khủng hoảng tài chính Châu Á nổ ra, khi đó có nhiều người đã bày tỏ quan ngại về việc ra đời thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Chính phủ chính nhận định, đặc điểm Việt Nam lúc bấy giờ có nhiều khác biệt so với các quốc gia khác cho nên chúng ta vẫn kiên quyết thành lập ra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.”

Ông Vũ Bằng cũng cho hay, năm 2000 thị trường ra đời trong điều kiện kinh tế xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Bên ngoài, khủng hoảng tài chính châu Á đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế châu Á nói chung và Việt Nam cũng không tránh khỏi tầm ảnh hưởng đó. Trong nước, bối cảnh kinh tế cũng có nhiều mặt hạn chế, số lượng các công ty cổ phần rất ít, quy mô vốn thì nhỏ...

“Khi đó, sự hiểu biết về thị trường còn nhiều hạn chế. Kiến thức chứng khoán không chỉ mới mẻ đối dân chúng mà ngay cả những người thiết lập thị trường cũng ở trong tình trạng vừa làm, vừa học. Tuy nhiên, đến nay thực tế đang cho thấy thị trường đã có bước trưởng thành vượt bậc cả về lượng và chất. Quy mô vốn thị trường tăng trưởng lớn mạnh, cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế phát triển mạnh mẽ. Đồng hành với đó là hệ thống công nghệ cũng được nâng cấp đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường,” ông Bằng nói.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, ông Lê Văn Châu khẳng định, sự ra đời thị trường có một sự chuẩn bị rất chu đáo. "Nhờ điều này, nên khi thị trường sụt giảm mạnh hay những thời điểm tưởng chừng phải ngừng giao dịch một thời gian ngắn, nhưng quan điểm của tôi là không thể dừng cho dù khối lượng giao dịch hàng ngày có ít, dứt khoát là phải phát triển. Niềm tin của những người lãnh đạo lúc bấy giờ đóng vai trò rất quan trọng để có thể gạt đi những tư tưởng lo sợ không thành công,” ông Châu giọng đầy xúc động khi nhớ lại.

"Làn sóng mới" từ năm 2011

Theo ông Vũ Bằng, với tính chất vô cùng nhạy cảm của thị trường chứng khoán, mọi biến động tăng trưởng hay sụt giảm từ nền kinh tế vĩ mô trong nước hay quốc tế đều có thể tác động ngay đến tâm lý thị trường.

Năm 2010, thị trường lại một lần nữa đối mặt với những thách thức mới. Về cơ bản, các yếu tố kinh tế từ bên ngoài đang gây nên những tác động tâm lý tiêu cực đến với các thành viên trên thị trường.

“Hiện nay, cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu chưa thực sự có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy từ tháng 3 đến nay, Việt Nam đã có những biện pháp xử lý phù hợp và quyết liệt về các vấn đề lạm phát, lãi suất, tỷ giá... Mặc dù thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đang phát triển. Vậy nên trong sự phát triển đó, sự ra đi của một số dòng vốn có thể là do ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý…,” ông Vũ Bằng nói.

Đại diện một quỹ nước đầu tư tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam từ những năm 1995, ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital cho biết, cùng thăng trầm với thị trường chứng khoán Việt Nam, với số vốn ban đầu 16,5 triệu USD, đến thời điểm hiện tại Dragon Capital đang quản lý số vốn lên tới 1,4 tỷ USD. "Qua đợt đi gọi vốn vừa qua tại Nhật, châu Âu và Mỹ, tiếp xúc với giới đầu tư, chúng tôi có thể khẳng định rằng so sánh kinh tế toàn cầu hiện nay thì Đông Á và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn," ông Tuấn cho hay.

Theo phân tích của ông Tuấn, trong khi tại châu Âu, nền kinh tế đang lắng dịu trở lại. Mỹ đang cố gắng kết hợp giải quyết vấn đề phát triển kinh tế với vấn đề việc làm của họ, thì Việt Nam có ổn định chính trị, ổn định kinh tế, có những biện pháp định hướng đưa ra là tương đối chính xác. Sự tăng trưởng đều đặn của Việt Nam vẫn là tiềm năng thực sự. Chính vì vậy, theo ông Tuấn, các quỹ đầu tư nào tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam thì chắc chắn lợi ích của họ còn tốt, còn phát triển.

Ông Tuấn dự báo “mười năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị thị trường đạt 40% GDP như hiện nay, theo chúng tôi mới chỉ là khởi đầu. Trong 3 năm tới đây, chúng tôi tin con số này sẽ tới 70% GDP."

Dragon Capital cũng đưa ra phân định sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam thành 3 giai đoạn. Từ năm 2000 đến 2007, giai đoạn tiến dần, tạo dựng từ những bước khởi đầu đi đến bước nhảy vọt nhờ vào sự phấn khích của toàn bộ thị trường.

Giai đoạn kế tiếp, khó khăn trong nền kinh tế cộng với sự khủng hoảng toàn cầu gây ra sự suy thoái trên thị trường từ năm 2007 và phần nào là tạo ra sự lên, xuống cho đến giai đoạn hiện nay.

Giai đoạn tới đây, Dragon Capital dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có “làn sóng thứ ba” phát triển kể từ năm 2011 trở về sau. Tuy nhiên, các điều này sẽ gắn với những định hướng và điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam trong quá trình tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục tái cơ cấu các doanh nghiệp không hiệu quả.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng, sự phát triển của khu vực nền kinh tế không chính thức (chiếm đến khoảng chừng 50% của nền kinh tế của Việt Nam) sẽ trở nên chính thức và tham gia niêm yết khi nhận thấy thị trường chứng khoán là môi trường phát triển mang lại nhiều lợi ích,” ông Tuấn nói./.
Ông Vũ bằng cho biết, nét nổi bật nhất của thị trường mười năm qua là quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, ban đầu từ 2 doanh nghiệp niêm yết, tới nay thị trường đã có trên 500 doanh nghiệp niêm yết.

Chứng khoán Việt Nam cũng đạt bước đi quan trọng về pháp lý. Sau 6 năm, Việt Nam đã có Luật Chứng khoán đầu tiên.

Chứng khoán hiện đã trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Từ ba đến bốn năm gần đây, vốn huy động trên thị trường chứng khoán đạt khoảng 300.000 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, vốn huy động đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, gấp đôi mức bình quân của năm 2009.

Về khối các nhà đầu tư, hiện thị trường có trên 900.0000 tài khoản giao dịch. Đầu tư gián tiếp năm 2007 là khoảng 11 tỷ USD, hiện nay con số này có giảm (còn khoảng 7 tỷ USD) nhưng đã góp phần ổn định vấn đề ngoại hối, ổn định tỷ giá… trên thị trường tiền tệ.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục