Thị trường chứng khoán giữ vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung-dài hạn

“Sự ra đời của thị trường chứn khoán phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới."
Thị trường chứng khoán giữ vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung-dài hạn ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khai trường Thị trường Phái sinh Việt Nam, ngày 10/8. (Ảnh: BTC)

Sau 17 năm kể từ khi thị trường chứng khoán cơ sở ra đời, Việt Nam đã chính thức có thị trường chứng khoán phái sinh.

Tại  Lễ khai trương Thị trường Chứng khoán phái sinh Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của thị trường chứng khoán cơ sở, qua đó làm tăng tính thanh khoản cùng quy mô thị trường, qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, trở thành kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

[Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời đánh dấu mốc son mới ]

Trụ cột thứ ba

Để có được cuộc ra mắt thị trường hoàn hảo, thời gian qua Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, ngân hàng thanh toán các thành viên thị trường, các cơ quan truyền thông đã nổ lực phối hợp, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, như xây dựng khung pháp lý, triển khai hạ tầng công nghệ, thiết kế sản phẩm giao dịch, nguồn nhân lực và phổ biến kiến thức tới công chúng đầu tư.

Thị trường cổ phiếu xuất hiện từ năm 2000, sau đó thị trường trái phiếu chuyên biệt có mặt vào năm 2009, đến nay thì thị trường chứng khoán phái sinh chính thức khởi động.

Theo Phó Thủ tướng, “đây là trụ cột quan trọng thứ ba trong cấu trúc của một thị trường chứng khoán hiện đại.”

Thời gian quan, thị trường cơ sở bao gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu Chính phủ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo đó, quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt hơn 80% GDP, dòng vốn huy động qua thị trường chứng khoán chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Qua thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp cổ phần đã huy động được nguồn vốn kịp thời, nắm bắt được các cơ hội kinh doanh, nhờ đó tăng trưởng không ngừng và trở thành tên tuổi hàng đầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng thu hút được khối lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, hỗ trợ nguồn nội lực, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Sự ra đời của thị trường chứn khoán phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của thị trường chứng khoán,” Phó Thủ tướng khẳng định

Thị trường chứng khoán giữ vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung-dài hạn ảnh 2Phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán phái sinh, ngày 10/8. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư

Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của Việt Nam là rất lớn, vì vậy thị trường chứng khoán phải phát triển để nắm đúng nhận vai trò là nơi cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế.

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường chứng khoán đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước.

Cụ thể, ngành cần tập trung xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 Sở giao dịch Chứng khoán, để tạo điều kiệm thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư (theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sửa đổi Luật Chứng khoán), trong đó cần ưu tiên xây dựng cơ sở pháp lý các sản phẩm phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, tạo tiền đề cho phát triển sau này.

Thị trường chứng khoán phái sinh phải đảm bảo vận hành thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả với nhiều cấp độ, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mức độ phát triển thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán giữ vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung-dài hạn ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng gợi ý, sau sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số, các cấp quản lý cần sớm nghiên cứu thời điểm thích hợp đưa vào thị trường các sản phẩm phái sinh trái phiếu Chính phủ và sản phẩm quyền chọn.

Chủ động hội nhập

Có được một thị trường vận hành minh bạch, thông suốt và an toàn, Phó Thủ tướng nhắc nhở, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán phái sinh, khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.

Phó Thủ tướng chia sẻ, Chính phủ cam kết chỉ đạo Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, điều hành thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng một cách công khai, minh bạch.

Ông kêu gọi các thành viên thị trường, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tin tưởng vào điều hành của Chính phủ, thận trọng với những tin đồn không có căn cứ (như ngày 9/8, biến động nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến thị trường giảm mất khoảng 2 tỷ USD), những hành vi trụ lợi trên thị trường.

Ngoài nhiệm vụ tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để bảo đảm an toàn, “ngành chứng khoán cần ưu tiên đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các cấp độ, từ cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, thành viên bù trừ, nhân viên nghiệp vụ…” ​ông nói.

Theo Phó Thủ tướng, công tác tuyên truyền cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Công chúng cần được phổ biến và đào tạo kiến thức để có thể tiếp cận, tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán phái sinh.

Muốn thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với các quốc gia trong khu vực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành cần chủ động hơn trong hội nhập thị trường tài chính quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế.

“Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán đến nay, chúng ta có thể khẳng định việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh là chủ trương rất đúng đắn nhằm hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính.

Đây cũng là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của tập thể Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, hệ thống truyền thông, báo chí đã nỗ lực từng bước đưa ngành chứng khoán Việt Nam phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước” Phó Thủ tướng tin tưởng./.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khai trương Thị trường Chứng khoán Phái sinh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục