"Đại hạn" khép lại?

Thị trường chứng khoán khép lại một năm "đại hạn"

Liên tục gánh "lốc xoáy," nhà đầu tư coi năm 2011 là năm "đại hạn" của thị trường, khi các chỉ số đều xuống mức đáy sâu nhất trong lịch sử.
Thời khắc cuối cùng trong năm 2011 đã điểm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nói theo cách ví von, thì đây là “năm thiên tai đại hạn” của thị trường.

Trong năm qua, các nhà đầu tư trên thị trường đã liên tiếp phải gánh chịu những “cơn lốc xoáy”, tại nhiều thời điểm hầu hết các chuyên gia cùng thống nhất đưa ra nhận định về mức giá cổ phiếu niêm yết đã quá rẻ.

Tuy nhiên, càng bắt đáy nhà đầu tư càng thua lỗ và cuối cùng là "chạy càng nhanh càng tốt."

Đến thời điểm này, hầu hết các nhà đầu tư đều nghiệm ra rằng có lẽ tốt hơn cả là “ngồi chơi xơi nước”, gửi tiền vào ngân hàng là an toàn và hiệu quả gấp nhiều lần so với việc "nhảy vào, nhảy ra" trên thị trường chứng khoán.

Mở cửa thị trường đầu năm, toàn thể các thành viên cùng kỳ vọng năm mới sẽ xua tan bóng mây đen bao phủ thị trường cả năm 2010. Tuy nhiên, sau mọi nỗ lực cầm cự của giới đầu tư trong suốt nửa đầu của năm thì cuối cùng sự kiên nhẫn đã không còn, hai chỉ số chính trên thị trường niêm yết đã trượt dốc.

Theo các nhà phân tích, việc giá cổ phiếu giảm nhanh càng làm tăng gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư sử dụng hình thức vay cầm cố. Do đó, thị trường bị kéo giảm mạnh do ảnh hưởng bởi trạng thái tài khoản thấu chi, khiến nhà đầu tư buộc phải thanh lý chứng khoán.

Thêm vào đó, mặc dù giá hàng loạt cổ phiếu đã chạm sàn do tâm lý thị trường và áp lực bán bắt buộc, song việc dồn ứ một lượng lớn cổ phiếu không tìm được người mua khiến tình hình càng thêm trầm trọng,

VN-Index lao từ mức đỉnh 522 điểm (9/2) về vùng đáy 383 điểm (12/8), giảm 139 điểm (- 27%), nhưng HNX-Index còn thảm hại hơn khi không có lực đỡ từ nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn như người bà con phía Nam, chỉ số này rơi tự do từ đỉnh 114 điểm (31/12) về vùng đáy 65 điểm, giảm 49 điểm (-43%).

Mặc dù sau đó thị trường cũng đã có được một “con sóng” mạnh, tuy nhiên mãnh lực dòng tiền trên thị trường chỉ đủ sức cầm cự trong vòng khoảng 1 tháng, để rồi mọi thành quả lại bị cuốn phăng và tính thanh khoản theo đó cũng ngày càng giảm sút.

Những ngày cuối cùng của năm 2011, thị trường chứng khoán chứng kiến mức đáy sâu nhất trong lịch sử của HNX-Index tại mức 56 điểm (27/12) và giảm 50% so với mức đỉnh trong năm và VN-Index cũng chính thức ghi nhận mức đáy 347 điểm (27/12) và giảm 34% so với mức đỉnh trong năm.

Về quy mô giao dịch thị trường cả năm, tổng khối lượng giao chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đạt 8.303 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 160.395 tỷ đồng, tại Sở Hà Nội (HNX) là 7.944 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng 95.847 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch khép lại năm 2011, thị trường bất ngờ khởi sắc với việc VN-Index tăng 1,04 điểm (+0,30%), đóng cửa tại mốc 351 điểm. Chỉ số HNX-Index  tăng mạnh 1,13 điểm, (+1,96%) chốt tại mốc 58,74 điểm.

Ông Marc Djandji, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định: Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến xấu nhất so với các thị trường khác trong khu vực. Trong suốt một năm vừa qua, nhà đầu tư luôn lưỡng lự giữa hai trạng thái lạc quan về định hướng chính sách của chính phủ và quan ngại về nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.

Theo thống kê, thanh khoản giảm đáng kể khi dòng vốn đầu tư ròng của nhà đầu tư trong nước đổ vào sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm giảm còn khoảng 320 tỷ đồng. Khối các nhà đầu tư nước ngoài ngoại lạc quan hơn khi năm vừa qua đầu tư ròng 1.460 tỷ đồng vào HoSE. Tuy nhiên, những con số này vẫn cho thấy giới đầu tư không còn mấy mặn mà với thị trường.

“Tâm lý bất an rõ ràng đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Nhìn lại khởi điểm của thị trường năm 2011, những gì thị trường trải qua trong năm và mức điểm hiện tại của thị trường, chúng tôi cho rằng thị trường đang bị trừng phạt một cách không công bằng. Bức tranh vĩ mô đã được cải thiện, lạm phát đã đạt đỉnh và ở mức dưới 1% trong 5 tháng gần đây. Tăng trưởng EPS (tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu) trung bình của các cổ phiếu đạt 10% mặc cho thị trường ảm đạm trong thời gian qua, vậy mà giá cổ phiếu cứ tiếp tục giảm,” ông Marc Djandji nói.

Cả hai sàn đều giao dịch ở mức điểm gần như thấp nhất trong lịch sử nếu tính theo thị giá/giá trị sổ sách (Price-to-book), có tới gần 80% số cổ phiếu giao dịch dưới mức giá trị sổ sách. Trên cơ sở đó, ông Marc Djandji thừa nhận là có những cổ phiếu trở về đúng giá trị, nhưng nhìn tổng thể thị trường thì mức định giá hiện nay đem lại cho nhà đầu tư cơ hội hấp dẫn để tích lũy khi thị trường đang bị lãng quên và giá cổ phiếu đã giảm sâu./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục