Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu chao đảo

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu ngày 9/9 chao đảo, tác động tới giá các mặt hàng chiến lược như dầu mỏ và vàng trên thế giới.
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu ngày 9/9 đã có một phiên chao đảo, tác động tới giá các mặt hàng chiến lược như dầu mỏ và vàng trên thế giới.

Trên bảng điện tử thị trường Mỹ, trung bình cứ một chỉ số cổ phiếu tăng giá thì có bảy chỉ số khác bị mất giá.

Một quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ chức, Bank of America có khả năng sa thải thêm hàng chục nghìn nhân viên và nguy cơ bế tắc của kế hoạch tạo việc làm 447 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên.

[Obama: Nước Mỹ đang bị “khủng hoảng quốc gia"]

Số liệu từ thị trường chứng khoán New York cho thấy đến phiên giao dịch chiều 9/9 trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 303,68 điểm (2,7%), còn 10.992,13 điểm.

Chỉ số MCD của McDonald Corp, một trong 30 cổ phiếu thành viên của Dow Jones, mất giá nhiều nhất, tới 5,37%. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 61,15 điểm (2,4%), xuống 2.467,99 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 cũng giảm 2,7%, tương đương 31,67 điểm, xuống 1.154,23 điểm. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ cũng giảm 1,9% giá trị.

Thị trường chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng mất giá khá nhanh. Chỉ số chứng khoán CAC của Pháp và Dax của Đức đều mất giá 4%, FTSC của Anh mất giá hơn 2%.

Thị trường dầu mỏ cũng có những biến động theo chiều hướng tương tự. Tại New York, giá dầu giao tháng 10 giảm 1,81 USD, xuống còn 87,24 USD/thùng. Còn tại London, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,78 USD, xuống còn 112,77 USD/thùng. Cách đó hai ngày, giá dầu thô đã lên mức cao nhất trong năm tuần qua.

Chiều hướng sụt giá trên thị trường cổ phiếu của Mỹ khiến giới kinh doanh quay sang mua vàng như một sự đầu tư an toàn, đẩy hợp đồng vàng giao tháng 10 tăng 2 USD, hay 0,1%, lên 1.859,5 USD/ounce.

Trong khi đó, đồng USD lại tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trong các giao dịch cuối ngày 8/9 với 1 USD đổi được 77,43 yen so với mức giá 77,49 yen ngày hôm trước.

Đồng tiền xanh cũng tăng giá so với đồng eurovà đồng bảng Anh với 1 USD "ăn" 1,3891 euro (mức thấp nhất trong hơn sáu tháng vừa qua) so với mức 1,3656 euro trước đó và 1 USD "ăn" 1,5967 bảng so với 1,5864 bảng trước đó.

Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu bị tác động mạnh sau khi có thông báo của hãng tin kinh tế Bloomberg News về việc Ban giám đốc của Bank of America đã thảo luận kế hoạch cắt giảm thêm 40.000 việc làm trong lộ trình tái cấu trúc lại ngân hàng này.

Bản tin của Bloomberg cũng dẫn lời ba quan chức cấp cao của Đức tiết lộ chính phủ của Thủ tướng Angela Markel đã sẵn sàng kế hoạch nhằm bảo vệ các ngân hàng của Đức trong trường hợp Hy Lạp bị vỡ nợ.

Quyết định của ông Juergen Stark, người có chủ trương duy trì tỷ lệ lãi suất cao, từ chức khỏi Ban chấp hành của ECB, là dấu hiệu về sự bất đồng trong cách thức xử lý các khó khăn tài chính của Khu vực đồng euro, khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Các cuộc tranh cãi bùng nổ ngay từ đêm 8/9 và có nguy cơ dẫn tới bế tắc chính trị ở Mỹ xung quanh kế hoạch tạo công ăn việc làm của Tổng thống Obama để kích thích kinh tế phát triển cũng làm giảm lòng tin của giới đầu tư, buộc họ phải bán bớt cố phiếu để tránh rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục