Thị trường chứng khoán: Thời kỳ tăng trưởng mới và hội nhập

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được thừa hưởng những thành quả có được từ các năm trước. Với các yếu tố thuận lợi này, thị trường chứng khoán bước sang năm 2019 sẽ mở ra thời kỳ mới cho tăng tưởng.
Thị trường chứng khoán: Thời kỳ tăng trưởng mới và hội nhập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN)

Tiếp nối đà tăng của năm 2017, thị trường chứng khoán bước sang năm 2018 với một giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, dòng tiền chảy vào thị trường “chóng mặt,” có phiên giao dịch mức vốn hóa đạt trên 70% GPD.

Cho tới trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm, có thể nói giới đầu tư nhà đầu tư đã trải qua 12 tháng với quá nhiều cảm xúc đủ cả thăng lẫn trầm.

Ông Phạm Tuyến, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán KIS đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề này.

Dấu ấn tích cực

- Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm nhiều thăng trầm, ông có thể điểm lại những điểm nhấn đã khiến giới đầu tư tài chính không thể quên?

Ông Phạm Tuyến: Sau sự hồi sinh “lý tưởng” của VN-Index là vực sâu và điều đó đã khiến bao nhà đầu tư phải "rơi nước mắt."

Giai đoạn đầu của năm, VN-Index xác lập “dấu son” 1.204,3 điểm, đạt đỉnh cao mọi thời đại vào ngày 9/4. Thời kỳ đó, thị trường chứng khoán bùng nổ về thanh khoản với sự  tăng trưởng ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng và chứng khoán.

Nhưng cũng chỉ một vài tháng sau đó, thị trường đã chứng kiến những chuỗi ngày giảm điểm, VN-Index trồi sụt về tới đáy 880 điểm trong ngày cuối tháng Mười, chấp nhận mất đến gần 27% so với thời kỳ đỉnh cao.

Song không thể phủ nhận những dấu ấn tích cực của thị trường trong năm với nguồn hàng “khủng” chất lượng chào sàn và đánh dấu sự phát triển lớn mạnh về quy mô giao dịch với giá trị lên tới hàng tỷ USD/phiên.

Cụ thể, những tên tuổi lớn như Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (mã TCB), Ngân hàng Tien Phong (mã TPB), Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (mã HDB)… liên tục chào sàn và mã cổ phiếu VHM đã tạo dấu ấn với giá trị giao dịch đạt 28.500 tỷ đồng (ngày 18/5) khiến thanh khoản toàn thị trước xác lập mốc 35.000 tỷ đồng/phiên. Đây chính là bước ngoặt lớn giúp cho vốn hóa của thị trường Việt Nam đạt trên 70% GPD và chính thức vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra cho đến năm 2020.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến phiên thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 255 triệu cổ phiếu tại Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) và thu về cho Nhà nước gần 7.400 tỷ đồng. Đây là thương vụ thành công đồng thời mở ra thời kỳ mới cho quá trình thoái vốn tiếp theo ở các đơn vị cổ phần có vốn Nhà nước.

Thị trường chứng khoán: Thời kỳ tăng trưởng mới và hội nhập ảnh 2Ông Phạm Tuyến, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán KIS. (Ảnh: KIS)

Nâng hạng thị trường chỉ là thời gian

Các nguồn hàng “khủng” vào thị trường không chỉ giúp vốn hóa thị trường tăng trưởng mạnh mẽ mà còn đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lọt vào danh theo dõi nâng hạng của FTSE Russell, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Phạm Tuyến:
Kể từ giai đoạn 2017 đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường đã xác định rõ được quá trình nâng hạng là rất quan trọng. Do đó, bên cạnh việc thoái vốn là quá trình vận động các “ông lớn” chào sàn không chỉ nhằm đạt mức vốn hóa lớn mà còn tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng trên thị trường, thu hút nguồn vốn lớn từ khối ngoại và các quỹ đầu tư nước ngoài.

Sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, của các cơ quan chuyên môn đã giúp cho quy mô và tính minh bạch của thị trường ngày càng cao, đáp ứng tốt những yêu cầu tối thiểu của tổ chức Morgan Stanley Capital International - MSCI nhằm dần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đủ các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi” trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên để sớm đạt các điều kiện, thị trường Chứng khoán Việt Nam cần đáp ứng và triển khai đồng bộ một số việc. Trước hết, các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán, trong đó hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Điều này có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần các doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy quá trình thoái vốn mạnh mẽ đồng thời xây dựng bộ quy tắc quản trị công ty niêm yết, triển khai các nghiệp vụ mới như thanh toán hoặc chứng khoán chờ về, cơ chế tạo lập thị trường. Thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cần hoàn thiện và phát triển hơn nữa.

Tị trường cũng cần có sự đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa (phái sinh, trái phiếu, các quyền chọn, chứng quyền và các hợp đồng phái sinh, các bộ chỉ số…) giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn đồng thời tối đa hóa lợi thế, phân tán rủi ro đầu tư. Hoạt động tái cấu trúc các tổ chức thị trường, đặc biệt là các thành viên thị trường như các công ty chứng khoán cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm số lượng các công ty chứng khoán với nghiệp vụ và đạo đức nâng cao.

Để thị trường phát triển bền vững, hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra cần phải đủ tính răn đe nhằm hướng tới một thị trường minh bạch, tránh các hành vi thao túng. Làm được những điều này, quy mô của thị trường sẽ tăng đồng thời thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, các tổ chức và các quỹ quốc tế.

Từ đó có thể thấy, việc đánh giá để đưa nâng hạng thị trường Chứng khoán Việt Nam sang “thị trường mới nổi” chỉ là vấn đề thời gian. Với bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được MSCI đưa vào theo dõi và chính thức lên hạng trong năm 2020 khi các yếu tố về quy mô vốn hóa, khung pháp lý và tính minh bạch thực sự được rõ ràng hơn.

Thị trường chứng khoán: Thời kỳ tăng trưởng mới và hội nhập ảnh 3Đầu tư nước ngoài trực tiếp đạt 16,5 tỷ USD. (Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài

- Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trong bối cảnh dòng tiền có xu thế rút ròng từ các thị trường mới nổi, phải chăng thị trường chứng khoán Việt Nam đã tận dụng được những lợi thế của mình?

Ông Phạm Tuyến: Tính đến hết tháng 11/2018, vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 7,6 tỷ USD và vốn đầu tư trực tiếp là 16,5 tỷ USD. Bên cạnh dòng vốn ngoại, Nhà nước cũng thu về hơn 10 tỷ USD qua hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn từ năm 2017 đến nay. Điều này minh chứng cho sức hút vốn đầu tư từ nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn có xu hướng rút ra ở các thị trường mới nổi.

Kết quả này có được phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế với GDP dự kiến đạt 7% trong năm nay. Cùng với đó, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán với các thành công trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và nâng quy mô vốn hóa đạt trên 70% GDP cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Lợi thế của thị trường Việt Nam trong năm chính là sự duy trì gắn bó của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Họ có những đánh giá khách quan về thực trạng ổn định của nền kinh tế, nền chính trị. Điển hình là sự vận hành hệ thống ngân hàng và chính sách điều hành vấn đề tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước linh hoạt đã giúp cho thị trường tài chính có năm qua ổn định, tránh “bão” từ bên ngoài như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…

- Trước thềm năm mới 2019, với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế, ông dự báo như thế nào về  xu hướng thị trường tới đây?


Ông Phạm Tuyến:
Những lợi thế trên thị trường chứng khoán trong năm 2018 sẽ sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2019, qua đó quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước lên tầm cao mới với tính cạnh tranh đồng thời thu hút các dòng vốn từ bên ngoài và từ đó có thể sớm hoàn thành mục tiêu được đưa vào theo dõi nâng hạng.

Việc dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào nền kinh tế Việt Nam cho thấy, những cam kết chắc chắn của Chính phủ trong việc ổn định nền kinh tế cũng như xây dựng Chính phủ kiến tạo vì sự phát triển chung của các thành phần doanh nghiệp.

Bối cảnh kinh tế trong nước giành được những thành tựu đáng kể với việc hoàn thành các mục tiêu do Chính phủ đề ra. Trên thị trường, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến quá trình điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước và các ứng xử liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Song, sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cho khối nhà đầu tư ngoại, các quỹ yên tâm, nhờ đó tiếp tục tăng cường đầu tư và gắn bó tại Việt Nam qua đó góp phần thúc đầy quy mô thị trường và sự tăng trưởng nền kinh tế.

Trên bình diện quốc tế, kinh tế thế giới tiếp tục có biến động, trong đó sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết. Do đó, thị trường tài chính thế giới liên tục biến động khá mạnh.

Tuy nhiên trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được thừa hưởng những thành quả có được từ các năm trước, như phát huy thế mạnh về sự ổn định chính trị và nền kinh tế ổn định, từng bước vượt lên mức cao hơn. Thị trường tài chính hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao đồng thời thị trường chứng khoán phát huy tính hấp dẫn trong khu vực cùng mục tiêu tiến tới nâng hạng thị trường...

Với các yếu tố thuận lợi như vậy, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm 2019 sẽ mở ra thời kỳ mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục