Thị trường chứng khoán toàn cầu trên đà phục hồi

Xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu vẫn đi lên vì tốc độ phục hồi có chậm lại nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của cuộc suy thoái kép.
Trong phiên giao dịch ngày 22/7, chứng khoán Mỹ đã có một phiên hồi phục mạnh nhờ các báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 tốt hơn dự kiến của nhiều doanh nghiệp, cùng nhiều tin tốt đến từ châu Âu, bất chấp nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn còn nhiều bất ổn.

Đóng cửa phiên 22/7, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng mạnh, trong đó Dow Jones ghi thêm 201,77 điểm (tăng 1,99%) lên 10.322,30 điểm. Nasdaq và S&P 500 còn tăng mạnh hơn, lần lượt là 2,68% và 2,25%.

Cùng ngày, các nhà đầu tư còn đón nhận khá nhiều số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại. Báo cáo từ Bộ Lao Động cho biết số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã tăng ngoài dự kiến sau hai tuần giảm mạnh trước đó.

Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản quốc gia cho biết, doanh số bán nhà cũ trong tháng Sáu cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp, trong khi hãng nghiên cứu về kinh doanh hàng đầu của Mỹ Conference Board cho biết, chỉ số triển vọng của các ngành kinh tế hàng đầu của Mỹ cũng trượt giảm lần thứ hai trong vòng ba tháng qua - dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên, bởi tuy tốc độ phục hồi có chậm lại, song cho đến nay, kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung vẫn chưa có dấu hiệu của một cuộc suy thoái kép.

Đà tăng điểm của Phố Wall hôm trước cùng tâm lý lạc quan thận trọng về kết quả của cuộc sát hạch "sức khoẻ" các ngân hàng châu Âu sắp được công bố, đã tiếp sức cho thị trường châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/7, khi hầu hết các sàn chủ chốt trong khu vực đều bao phủ một màu xanh.

Đóng cửa ngày 23/7, hầu như toàn bộ thị trường châu Á đều ngập trong sắc xanh, với các mức tăng khá ấn tượng. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 có thêm 210,08 điểm, tương đương tăng tới 2,28%, lên 9.430,96 điểm, khi các nhà đầu tư "tranh nhau" mua cổ phiếu sau năm phiên liên tiếp thị trường này đi xuống.

Tại thị trường Hongkong, ngoài các nhân tố hỗ trợ trên, các nhà đầu tư tại Đặc khu kinh tế này của Trung Quốc còn được "lên giây cót" nhờ một cuộc đấu giá đất sắp diễn ra trong tuần tới, hứa hẹn một "cú hích" cho thị trường bất động sản của Hongkong. Kết thúc phiên, chỉ số Hang Seng tăng 1,1%.

Trong khi đó, tại thị trường anh em Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite Index cũng tăng 0,38%, do các nhà đầu tư phấn khởi trước các báo cáo lợi nhuận nửa đầu năm đầy sáng sủa của các ngân hàng, và trên thị trường có tin đồn rằng Bắc Kinh có thể sẽ không sớm triển khai tiếp các biện pháp thắt chặt tiền tệ.

Cổ phiếu của Ngân hàng Nông nghiêp Trung Quốc tăng tới 3,64% tại sàn Hongkong và 4,8% tại sàn Thượng Hải, mức tăng cao nhất kể từ đợt đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) của ngân hàng này cách đây một tuần. Sức tăng mạnh mẽ này xuất phát từ các thông tin cho biết một chi nhánh của Quỹ Capital Group của Mỹ đã chi 1,63 tỷ USD để mua lại một số cổ phần của ngân hàng.

Các thị trường lớn khác như Sydney, Đài Bắc, Seoul, cũng đều đi lên với các mức tăng lần lượt là 1,91%, 1,24% và 1,30%.

Hiện mọi con mắt đang đổ dồn về kết quả sắp được công bố của đợt sát hạch sức khoẻ các ngân hàng châu Âu. Giới giao dịch dự đoán chứng khoán châu Âu phiên 23/7 có thể cũng sẽ hòa chung vào xu thế tăng trên.

Tuy nhiên, mở cửa phiên 23/7, các chỉ số chủ chốt của châu lục như FTSE 100 (Anh), DAX 30 (Đức) và CAC 40 (Pháp) lại đều đang tạm giảm điểm, với các mức giảm tương ứng là 0,37%, 0,27% và 0,13%./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục