Thị trường chứng khoán và dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục hưởng lợi

Fed cắt giảm lãi suất để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế như đã làm năm 1998, khi mà các thị trường dầu mỏ và chứng khoán được lợi. Nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng lịch sử này sẽ lặp lại.
Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, tỉnh Bushehr (Iran), ngoài khơi vùng Vịnh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, tỉnh Bushehr (Iran), ngoài khơi vùng Vịnh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà đầu tư dường như đang đặt cược vào khả năng lịch sử sẽ lặp lại, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế như đã làm vào năm 1998, khi mà các thị trường dầu mỏ và chứng khoán được lợi.

Trong khoảng thời gian từ tháng Chín đến tháng 11/1998, Fed đã mạnh tay hạ lãi suất, với ba lần cắt giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản để đảo ngược tình hình kinh tế Mỹ đang mất động lực.

Theo Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia, kinh tế Mỹ nhờ đó đã tiếp tục tăng trưởng thêm 30 tháng trước khi rơi vào suy thoái vào tháng 4/2001.

[Chứng khoán "hứng khởi" trước tín hiệu vui từ kinh tế Trung Quốc và Mỹ]

Lãi suất giảm và nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng cuối cùng đã đưa đến sự tăng điểm ấn tượng 56% của chỉ số chứng khoán S&P 500 trong 18 tháng sau đó.

Cũng trên nền tảng nền kinh tế mạnh, giá dầu Brent tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ tháng 9/1998 đến tháng 8/2000, khi tiêu thụ dầu mỏ tăng kết hợp với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ hạn chế sản lượng và những gián đoạn nguồn cung.

Năm 1998, lạm phát thấp đã cho Fed "dư địa" chính sách trong lúc tình hình kinh tế quốc tế xấu đi do cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á.

Vào thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9/1998, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trong 90 tháng, giai đoạn dài thứ ba trong lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp là 4,6%, mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ.

Trong khi chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 2,8% một năm, những con số rất giống với những điều kiện hiện nay.

Trong những tuần đầu tiên của năm 2019, lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính kỳ hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục xu hướng giảm và đường cong lãi suất vẫn hướng tới sự đảo ngược, một dấu hiệu cho thấy mà các nhà đầu tư đang sẵn sàng cho khả năng tăng trưởng giảm tốc và hạ lãi suất.

Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ và giá dầu Brent giao ngay đang tăng ổn định, cho thấy kinh tế nước này và toàn cầu sẽ tránh được một cú giảm tốc nghiêm trọng.

Thị trường chứng khoán và dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục hưởng lợi ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà đầu tư có thể đang dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng đủ chậm để thuyết phục Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng không quá mạnh.

Hầu hết các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất một lần từ nay đến cuối tháng 9/2019, trong khi hơn 25% cho rằng lãi suất sẽ được cắt giảm ít nhất một lần trước khi kết thúc năm 2020.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/3 nhận định triển vọng kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục và lòng tin của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp ở mức cao.

Dự kiến, IMF sẽ công bố bản cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào ngày 9/4.

Người phát ngôn của IMF, Gerry Rice cho biết cơ quan này cũng sẽ đưa ra đánh giá thêm về kinh tế Mỹ vào thời điểm kể trên, cùng với báo cáo về hoạt động thương mại và thuế.

Nhận định này được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay.

Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 20/3 ra thông báo báo giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5%. Phần lớn quan chức cấp cao về hoạch định chính sách của Fed cho rằng không cần thiết phải tăng lãi suất trong năm 2019.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định kinh tế Mỹ vẫn ở giai đoạn phát triển tốt và Fed sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì xu hướng này.

Tuy nhiên, ông Powell cũng lưu ý kể từ cuối tháng 12/2018, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại, trong khi số liệu kinh tế Mỹ tiềm ẩn các chiều hướng chưa rõ ràng.

Trả lời báo giới, người đứng đầu Fed cho rằng các dữ liệu hiện nay không đặt ra nhu cầu cần tăng hay giảm lãi suất.

Theo ông, đây là thời điểm rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, theo dõi sát tình hình và chỉ khi nào xuất hiện xu hướng rõ ràng - đặc biệt là những diễn biến trên thị trường việc làm và lạm phát - mới có thể đưa ra những quyết định tương ứng.

Quan điểm “thận trọng” này cũng được nêu ra trong thông báo cùng ngày của Fed, Ngân hàng trung ương Mỹ.

Giới chức Fed bảo lưu quan điểm lạm phát 2% là mức hợp lý đối với một nền kinh tế khỏe mạnh.

Trong khi đó, Fannie Mae (Hiệp hội Thế chấp quốc gia liên bang) cho hay tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo sẽ chậm lại mức 1,3% trong quý 1/2019, mức tăng hàng quý thấp nhất trong ba năm qua và cả năm 2019 sẽ ở mức 2,2%, thấp hơn tương đối so với năm 2018 (khi GDP của Mỹ tăng 3,1%).

Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ phải kể tới việc người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu, hiệu quả của biện pháp kích thích kinh tế phai nhạt dần và đầu tư kinh doanh tiếp tục chững lại.

Fannie Mae cũng lưu ý những nguy cơ khác có thể kéo chậm đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ là tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi và bất ổn thương mại tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tin tức cho hay theo các chuyên gia, hoạt động chế tạo - đóng góp khoảng 12% cho kinh tế Mỹ - đang đánh mất đà tăng khi tác động từ chương trình cắt giảm thuế doanh nghiệp trị giá 1.500 tỷ USD đang giảm dần.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, sự tăng giá của đồng USD hồi năm ngoái và dấu hiệu kinh tế toàn cầu giảm tốc cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chế tạo của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục