Thêm tin xấu từ Mỹ

Thị trường dầu mỏ lại nhận thêm tin xấu từ Mỹ

Mỹ lần đầu tiên mở kho dự trữ xăng dầu, tăng lượng hàng tồn kho trong nước đã làm tăng quan ngại nguy cơ vỡ nợ công của nước này.
Ngày 27/8, thị trường dầu mỏ tiếp tục nhận thêm tin xấu từ Mỹ, khi các số liệu vừa công bố cho thấy việc Mỹ lần đầu tiên mở kho dự trữ xăng dầu đã bất ngờ làm tăng lượng hàng tồn kho trong nước.

Điều này đã làm tăng những quan ngại về nguy cơ vỡ nợ công của Mỹ, đồng thời làm tăng thêm nỗi lo về tình hình "sức khỏe" yếu kém của nền kinh tế.

Tại New York kết thúc phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 9/2011 giảm 2,19 USD xuống 97,40 USD/thùng, còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn giảm 85 xu xuống 117,43 USD/thùng.

Sáng ngày 28/7 tại châu Á, tâm lý giới đầu tư tiếp tục chịu sự chi phối từ việc các nhà lập pháp Mỹ chưa thể khai thông bế tắc tại các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công.

Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 9/2011 giảm 28 xu xuống 97,12 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cùng kỳ hạn nhích 39 xu lên 117,82 USD/thùng.

Sau 7 tuần giảm liên tiếp, trong tuần qua, lượng dầu thô tồn kho ở Mỹ đã tăng thêm 2,3 triệu thùng, sau khi nước này rút ra 2,268 triệu thùng từ Kho Dự trữ Xăng dầu Chiến lược, trong khuôn khổ biện pháp phối hợp mà các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi cuối tháng 6/2011 để bù đắp sự sụt giảm nguồn cung từ Libya.

Sự gia tăng này, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích, cho thấy tăng trưởng nhu cầu tại nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới đang giảm sút trong bối cảnh sức khỏe nền kinh tế vẫn còn èo uột.

Nỗi lo về sự gia tăng trong lượng hàng tồn kho góp thêm vào những quan ngại về tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công để tránh thảm họa vỡ nợ công.

Các quan chức chính phủ cảnh báo nếu trần nợ của Mỹ không được nâng lên vào trước thời hạn ngày 2/8, Washington có thể sẽ buộc phải giảm chi tiêu hoặc vỡ nợ, khi mà cả hai điều này đều không có lợi cho nền kinh tế.

Rich Ilczyszyn thuộc Lind-Waldock, nhận định giới đầu tư sẽ không muốn mua dầu cho đến khi họ xác định được rõ ràng điều gì đang diễn ra tại Mỹ.

Còn theo Jason Schenker, Chủ tịch đồng thời là nhà kinh tế trưởng của công ty Prestige Economics LLC ở Austin, bang Texas (Mỹ), nếu nước Mỹ vỡ nợ, nó sẽ tác động tới thị trường dầu mỏ theo hai hướng: đối với dầu ngọt nhẹ, giá sẽ giảm do những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế; còn đối với dầu Brent, nó sẽ được lợi từ sự giảm giá của đồng USD cũng như kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng.

Thêm vào sức ép trên thị trường còn là những số liệu cho thấy đơn đặt hàng các hàng hóa chế tạo lâu bền của Mỹ đã bất ngờ sụt giảm trong tháng 6/2011.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong bản báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế, cũng cho biết tăng trưởng GDP đã giảm tốc tại phần lớn các khu vực trên cả nước trong tháng 6 và đầu tháng 7/2011, dấy lên những nghi ngờ về sự phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Hiện nay, thị trường cũng đang theo dõi những diễn biến thời tiết với khả năng một cơn bão sẽ đổ bộ vào khu vực vịnh Mexico, nơi chiếm 29% sản lượng dầu mỏ của Mỹ, bởi điều này có thể ảnh hưởng tới nguồn cung.

Để đề phòng, tập đoàn Royal Dutch Shell đã đưa lực lượng hỗ trợ tới các dàn khoan ở khu vực này, trong khi các công ty khác cũng đang theo dõi diễn biến của cơn bão. Hiện nay, sản lượng tại khu vực này vẫn chưa bị giảm xuống./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục