Thị trường dầu mỏ thế giới đi xuống 2 tuần liên tiếp

Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đi xuống hai tuần liền do triển vọng nhu cầu yếu kém tại Trung Quốc và tình trạng dư cung ở Mỹ.
Giá dầu đã giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 27/5 do triển vọng nhu cầu yếu kém tại Trung Quốc và tình trạng dư cung ở Mỹ.

Thông báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 300.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 17/5, thấp hơn so với dự đoán của thị trường là giảm 600.000 thùng.

Còn tại Trung Quốc, số liệu sơ bộ của ngân hàng HSBC (Anh) cho biết hoạt động chế tạo của nước này trong tháng 5/2013 đã co lại khi Chỉ số quản lý sức mua (PMI) rơi xuống dưới mức 50 lần đầu tiên trong 7 tháng qua.

Giá dầu phân hóa trái chiều trong phiên 28/5, giảm ở châu Á, chủ yếu do bức tranh kinh tế kém sáng sủa ở Trung Quốc, khiến giới đầu tư lo ngại về nhu cầu năng lượng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, song tăng trở lại trên thị trường Mỹ nhờ những báo cáo kinh tế tích cực mới nhất của Mỹ, gồm giá nhà tháng 3/2013 và chỉ số lòng tin tiêu dùng tháng 5/2013 đều khởi sắc. Cụ thể, chỉ số S&P/Case-Shiller (chuyên theo dõi giá nhà tại 20 thành phố lớn nhất của Mỹ) trong tháng 3/2013 đã tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012, ghi dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ tăng lên mức 76,2 trong tháng 5/2013, so với mức 69,0 của tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 2/2008.

Tuy nhiên tới phiên giao dịch ngày 29/5, giá dầu lại đảo chiều giảm ở tất cả các thị trường, từ châu Á, châu Âu, qua Mỹ do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh mẽ.

Thị trường "vàng đen" còn bị tác động mạnh từ thông báo công bố trong ngày của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo đó cho biết OECD đã hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ mức 3,4% trong dự báo trước đó xuống còn 3,1%.

Bên cạnh đó, thị trường còn quan ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ rút bỏ chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) do kinh tế Mỹ đã phục hồi khá vững chắc.

Mặc dù vậy, giá dầu lại phục hồi trở lại trong phiên 30/5 bất chấp dự báo bi quan về kinh tế toàn cầu của OECD.

Thị trường dầu mỏ phiên này nhận được hậu thuẫn từ việc đồng USD yếu đi do vấp phải sức ép từ những đồn đoán cho rằng Fed có thể sẽ không sớm rút bỏ chính sách kích thích tiền tệ trong thời gian tới vì những số liệu kinh tế mới nhất cho thấy bức tranh kinh tế vẫn còn khá ảm đạm (tốc độ tăng trưởng quý 1 thấp hơn dự kiến, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước tăng vượt dự đoán và doanh số nhà chờ bán trong tháng 4 kém xa dự kiến).

Những số liệu mới nhất này lại khiến thị trường nghiêng về đồn đoán Fed có thể sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nhà đầu tư phiên này dường như cũng phớt lờ thông tin không hỗ trợ cho thị trường khi báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho biết trong tuần kết thúc vào 24/5, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3 triệu thùng lên 397,6 triệu thùng, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu có thống kê hàng tuần vào năm 1982.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần 31/5, giá dầu lại quay đầu giảm mạnh sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - sau cuộc họp kết thúc trong ngày - đã quyết định tiếp tục duy trì sản lượng ở mức cao nhất, ở mức 30 triệu thùng/ngày, mặc dù vẫn bày tỏ quan ngại về những tác động từ tăng trưởng kinh tế yếu kém toàn cầu đối với nhu cầu về dầu thô.

Quyết định này của OPEC - tổ chức chiếm khoảng 1/3 nguồn cung dầu thô trên toàn cầu - báo hiệu nguồn cung dầu sẽ tiếp tục dồi dào, trong khi nhu cầu lại chững lại do tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh, đặc biệt là tại châu Âu. Điều này khiến giới đầu tư quan ngại và đẩy mạnh bán ra, khiến giá dầu lao dốc.

Chốt phiên 31/5 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2013 đứng ở mức 91,97 USD/thùng, giảm tới 1,64 USD so với phiên 30/5, và là lần đầu tiên kể từ đầu tháng Năm bị tụt xuống dưới ngưỡng 92 USD/thùng. Mức này cũng thấp hơn mức chốt của tuần trước nữa là 93,91 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,80 USD xuống 100,39 USD/thùng, thấp hơn mức chốt tuần trước đó là 102,27 USD/thùng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Wang Tao, chuyên gia phân tích kỹ thuật của hãng tin Anh Reuters, giá dầu Brent có thể sẽ phục hồi lên 103,14 USD/thùng, trong khi giá dầu New York sẽ nằm trong biên độ 94,14-94,58 USD/thùng./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục