Thị trường gạo: Bão lại nổi

Thị trường gạo thế giới: Bão tố sẽ lại nổi lên

Theo báo Le Monde ra ngày 9/11, ngay từ bây giờ, những biến động về thời tiết đã khiến thị trường gạo rơi vào tình trạng xáo động.
Báo Pháp Le Monde số ra ngày 9/11 cảnh báo nguy cơ lại xảy ra "cơn bão" trên thị trường gạo thế giới trong thời gian tới. Theo báo này, ngay từ bây giờ, những biến động về thời tiết đã khiến thị trường gạo rơi vào tình trạng xáo động.

Đầu tiên là ở Mumbai, Ấn Độ, giá gạo đã tăng 25% chỉ trong vòng 2 tháng. Tháng 9 vừa qua, giá lúa cũng tăng 15% trên thị trường Chicago, Mỹ và hợp đồng bán gạo cho 3 tháng tới đã được khép lại hôm 6/11 với mức giá 15,15 USD cho mỗi bao gạo 50kg, thậm chí có thể lên đến 16 USD.

Nguyên nhân của những biến động này chủ yếu là do một số nước sản xuất lúa gạo vừa bị thiên tai tàn phá nặng nề. Những cơn mưa như trút nước hoành hành ở Ấn Độ vào thời điểm thu hoạch khiến sản lượng lúa gạo nước này giảm 17 triệu tấn so với 82 triệu tấn thu hoạch vào vụ mùa năm trước.

Chính phủ Ấn Độ thậm chí đã phải mở thầu quốc tế để nhập 30.000 tấn gạo. Đây là lần đầu đầu tiên kể từ 20 năm nay, quốc gia vốn luôn dư thừa gạo này phải nhập khẩu gạo.

Tiếp theo là Philippines, các trận bão Ketsana và Parma tấn công nước này hồi tháng 9 và tháng 10 vừa qua đã khiến các cánh đồng lúa đang chờ thu hoạch bị ngập nước, dẫn đến sản lượng giảm gần 1 triệu tấn.

Cũng vì lý do này, Philippines có thể buộc phải mua thêm 300.000 tấn gạo trên thị trường thế giới.

Những thông báo mua gạo kể trên dường như có vẻ khiêm tốn so với thị trường gạo toàn cầu vốn có lưu lượng giao dịch khoảng 30 triệu tấn và sản lượng thế giới lên đến 670 triệu tấn, dự kiến trong giai đoạn 2009-2010.

Tuy nhiên, nguồn xuất khẩu loại lương thực được dùng rộng rãi nhất trên thế giới này lại ít đến từ các quốc gia sản xuất lúa gạo chủ chốt. Chính đặc thù này đã khiến cho thị trường gạo luôn nhạy cảm với những biến động dù rất nhỏ về cung hoặc cầu.

Theo dự kiến, trong năm 2010, cầu sẽ tăng 1,8% nhưng cung lại giảm 3%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nguồn cứu trợ không phải từ Trung Quốc, nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, nhưng lại tiêu thụ gần như toàn bộ sản lượng sản xuất ra và chỉ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn.

Nguồn cứu trợ chỉ có thể đến từ Thái Lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nơi mà người nông dân sẵn sàng tập trung hết sức mình để trồng lúa, tranh thủ lợi thế về giá cả hấp dẫn.

Tuy nhiên theo nhận định của ông Thierry Liévin, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy gạo của Pháp, năm 2010 sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều vấn đề. Ông cho rằng một khi các nhà đầu tư quan tâm đến lúa gạo trở lại, sự khan hiếm kết hợp với nạn đầu cơ sẽ có thể lại tạo ra những tiêu cực đã từng xảy ra trước đây. Đó là giá cả tăng vọt và các cuộc bạo loạn mới lại nổi lên do thiếu lương thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục