Thị trường lao động: Nhộn nhịp song cần điều tiết

Thị trường lao động năm 2010 được dự báo sẽ sôi động hơn với nhu cầu lao động đa dạng. Trong đó, ngành hàng bán lẻ sẽ thu hút nhiều nhân lực do nhu cầu mua bán bắt đầu tăng lại sau thời gian dài người tiêu dùng thắt chặt túi tiền. Cấp chuyên viên và cấp quản lý là những vị trí sẽ được trả lương cao và nhiều chính sách ưu đãi để thu hút.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo doanh nghiệp về xu hướng "nhảy" việc của người lao động trong điều kiện kinh tế nhiều biến động như gần đây. Đồng thời, sự điều tiết vĩ mô vẫn được cho là rất cần thiết để giảm tình trạng "người thiếu việc, việc thiếu người".
Thị trường lao động năm 2010 được dự báo sẽ khởi sắc với nhiều nhu cầu lao động của đa dạng ngành nghề hơn, tuy nhiên, sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước vẫn là cần thiết để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân lực mà người thất nghiệp vẫn nhiều.

Ngành hàng bán lẻ thu hút lao động

Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Công ty dịch vụ tuyển dụng tư vấn nhân sự Talentnet, cho rằng ngành hàng bán lẻ sẽ thu hút nhân lực trong thời gian tới. Những công việc như bán hàng, tiếp thị sẽ nóng lên do nhu cầu mua bán bắt đầu tăng lại sau thời gian dài người tiêu dùng thắt chặt túi tiền.

Bên cạnh đó, ngành dược phẩm ít biến động nhất trong năm qua sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Riêng ngành hàng tiêu dùng, viễn thông sẽ đứng, vững dù thị trường có nhiều thay đổi. Đặc biệt, cấp chuyên viên và cấp quản lý là những vị trí sẽ được trả lương cao cùng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong hai đầu "đòn gánh" thu hút lao động, năm 2010, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần khoảng 280.000 lao động. Trong đó, các ngành dệt may, da giày vẫn có số lượng tuyển dụng cao nhất với 18,79% nhu cầu, tiếp đó là ngành công nghệ thông tin và viễn thông với 7,75%.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc khu vực Công ty cung cấp giải pháp nhân sự Navigos Group, cho rằng tình hình kinh tế đang có các dấu hiệu tích cực, tác động tốt đến thị trường lao động. Chính vì thế, nhu cầu lao động trong năm tới sẽ tăng.

Tuy nhiên, bà Vân Anh cũng cảnh báo xu hướng chuyển việc là điều không tránh được trong đầu năm tới, nhất là trong điều kiện kinh tế nhiều biến động như gần đây. Bởi vậy, doanh nghiệp cần phải biết giữ nhân viên giỏi cũng như thu hút nhân tài.

Xu hướng chuyển việc này, theo bà Vân Anh, sẽ xảy ra ngay từ những tháng đầu năm. Đây thường là thời điểm luân chuyển công việc và tuyển dụng tốt nhất cho cả lao động và doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, họ tập trung tuyển dụng trong thời gian này vì khi đó mọi vấn đề về ngân sách hoạt động, kể cả ngân sách nhân sự trong năm mới đã được duyệt. Với người lao động, họ cũng chọn dịp này để chuyển việc vì đã nhận được tiền thưởng của năm làm việc trước đó.

Vẫn còn tình trạng "người thiếu việc, việc thiếu người"

Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải hết sức chú ý đến chính sách đãi ngộ nhân tài. Bản thân việc các doanh nghiệp làm ăn khá tăng lương, thưởng hết mức có thể trong năm qua cũng là biểu hiện của sự quan tâm tới chính sách nhân sự. Do vậy, chỉ cần doanh nghiệp lơ là, người lao động sẽ "nhảy" việc.

Bên cạnh việc doanh nghiệp phải canh chừng nhân viên "nhảy" việc thì một điều đáng chú ý của thị trường năm tới là nghịch lý doanh nghiệp thiếu người mà người lao động thì lại thất nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng trên vẫn là chính sách lương bổng.

Trên thực tế, phần lớn người lao động bỏ việc giữa chừng do muốn tìm kiếm một mức lương cao hơn. Nếu như năm ngoái, vì thiếu việc, người lao động có thể tạm bằng lòng với công việc trong ngành may mặc, giày da, lương thấp và vất vả thì hiện nay họ đã có nhiều lựa chọn hơn. Những lựa chọn này đến từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ đang phát triển mạnh với đặc điểm công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn. Vì thế, việc lao động chảy sang khu vực này là dễ hiểu.

Khi dòng chảy này diễn ra, sẽ có tình trạng thị trường lao động mất cân đối về cơ cấu việc làm và nhân lực. Cụ thể, nhu cầu lao động phổ thông, nghề sơ cấp vẫn tăng mạnh và thường xuyên thiếu lao động, do tính chất công việc không ổn định, thu nhập thấp.

Sự mất cân đối còn thể hiện ở việc một số nhóm ngành nghề có nhu cầu cao nhưng hạn chế nguồn cung (nhân sự cấp cao), trong khi có những nhóm ngành nghề phong phú nguồn cung nhưng nhu cầu của thị trường lại không cao (một số ngành trung cấp kỹ thuật). Hoặc giả, cũng sẽ có trường hợp lao động của một ngành nghề ở địa phương này thừa, trong khi một địa phương khác lại rất cần số lao động đó.

Về việc tác động để điều hành thị trường việc làm, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết: “Về cơ bản, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ là cơ quan quản lý nhà nước. Việc nghiên cứu, cân nhắc xem nên chuyển đổi cơ cấu ngành thế nào cho hợp lý là câu chuyện của từng địa phương dựa trên thực tế của chính mình”.

Mặc dù vậy, bản thân việc thay đổi cơ cấu ngành nghề sẽ chỉ có tác dụng lâu dài và bền vững nếu có sự can thiệp toàn diện trên phạm vi toàn quốc. Sự can thiệp này phải dựa trên các nguyên tắc khoa học về điều tra thị trường, tổ chức hệ thống thông tin thị trường và phải có “nhạc trưởng”… Và điều này, rõ ràng, một mình địa phương không thể tự làm nổi./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục