Nơi thừa, nơi thiếu

Thị trường lao động vẫn nơi thừa, nơi thiếu

Diễn biến cung-cầu lao động cho thấy chỗ thừa, chỗ thiếu vẫn là nét chủ đạo của thị trường lao động Việt Nam hiện nay.
Diễn biến cung-cầu lao động tại một số tỉnh thành tập trung nhiều doanh nghiệp, các khu công nghiệp-khu chế xuất, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy chỗ thừa, chỗ thiếu vẫn là nét chủ đạo của thị trường lao động Việt Nam hiện nay.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sự thay đổi nhanh chóng của dây chuyền công nghệ trong thời gian ngắn, sức cạnh tranh gay gắt và sự đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp theo hướng đa ngành nghề, sự “nhập cảnh” ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài; trong khi vấn đề đào tạo nghề chưa tạo được chuyển biến mạnh, chưa được quan tâm đúng mức là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng nêu trên.

Mới đây, buổi tọa đàm “Thực trạng đào tạo nghề nghiệp và nhu cầu về nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh” do báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với báo Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia về lao động, đại diện nhiều sở ngành có liên quan.

Nhận định về hạn chế lao động người Việt Nam, đại diện công ty Nhật Bản ESUHAI đã thẳng thắn chỉ ra “5 không” trong đó có vấn đề về tay nghề và ngoại ngữ.

Người lao động Việt Nam qua Nhật làm việc đa số chấp hành tốt hợp đồng lao động nhưng vẫn đang còn tình trạng bỏ trốn, vi phạm pháp luật nước này, thiếu tác phong công nghiệp, xem nặng bằng cấp nhưng lại thiếu ý thức học tập kinh nghiệm và tiếp nhận thành tựu khoa học.

Số đông lao động chỉ mới lo kiếm tiền trước mắt mà không quan tâm đến vấn đề học nghề, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do đó, cần thiết phải tạo dựng sự nghiệp cho người lao động Việt Nam thông qua con đường học nghề.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, giảng dạy tại Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Trong thơi gian qua, đã có rất nhiều công ty chế biến xuất khẩu gỗ, thủy sản... ở ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh rao tuyển và “đặt hàng” đại học Nông Lâm nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Có những ngành chưa được thí sinh quan tâm nhưng nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường của doanh nghiệp lại rất lớn. Sự lệch pha cung-cầu lao động, một phần xuất phát từ nguyên nhân đào tạo, từ tâm lý của học sinh khi lựa chọn ngành nghề.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tư vấn, Đầu tư và Phát triển Giáo dục Viễn Đông lý giải tâm lý phổ biến ưa chuộng bằng đã gây nên sự kén chọn đối với vấn đề học nghề.

Hiện nay lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của gần 50% các công ty chuyên về may mặc, hóa chất; 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng nghề cần được đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Thực trạng này cũng xảy ra với hầu hết sinh viên tốt nghiệp phần mềm công nghệ thông tin. Do vậy khả năng cạnh tranh quốc tế của lao động Việt Nam là rất thấp.

Các giải pháp cấp bách, tạm thời mà các doanh nghiệp áp dụng trong vấn đề sử dụng nguồn nhân lực như: Thu hút nguồn lao động kinh nghiệm trong ngành (hơn là việc tuyển ngoài), mong đợi nguồn du học sinh về nước và nhập khẩu lao động nước ngoài. Do vậy lao động Việt Nam sẽ đứng trước khả năng thách thức rất lớn, nếu không cải thiện hình ảnh của mình về chuyên môn nghề nghiệp.

Vấn đề đào tạo nghề cần phải được xã hội hóa. Vai trò và mối quan hệ giữa Nhà nước- nhà trường và doanh nghiệp cần phải được tăng cường.

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, cần thay đổi phương pháp dạy học, ưu tiên kỹ năng thực hành, bám sát nhu cầu tuyển dụng của ngành nghề được đào tạo, cần thiết tạm ngưng và ngưng đào tạo đối với những ngành nghề khó kiếm việc, công bố công khai, chân thực tỉ lệ tìm được việc làm ở những nhóm ngành nghề.

Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, cung cấp và cập nhật thường xuyên cung-cầu lao động cho cả hai phía (chủ sử dụng lao động, người lao động), hoạch định xu hướng phát triển các nhóm ngành nghề.. cũng cần phải được đặc biệt quan tâm để từ đó có sớm đưa ra các chiến lược đào tạo nhân lực cho phù hợp và hiệu quả nhất./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục