Thị trường lịch 2010 - cận mùa vẫn... “lạnh”

Sắp sang năm mới 2010, tại Hà Nội và TP.HCM, các loại lịch tờ, lịch bloc đã được bày bán la liệt nhưng người mua vẫn chưa nhiều.
Còn 3 tuần nữa là sang năm mới 2010, tại các "phố sách" ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các loại lịch tờ, lịch bloc đang được bày bán la liệt nhưng người mua vẫn chưa nhiều.

Lịch càng ngày càng đẹp

Sau 4 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa về công tác xuất bản, in và phát hành lịch, thị trường có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, nhà sách, công ty văn hóa phẩm… nên mẫu mã ngày càng phong phú, các loại lịch có nhiều đổi mới mang tính chất chuyên nghiệp hơn.

Hầu hết các nhà chuyên môn và các đại lý kinh doanh đều khẳng định, hình thức và chất lượng các mẫu lịch năm nay được cải thiện rõ rệt so với năm ngoái.

Ông Phạm Quý Thế, Trưởng phòng Văn hóa phẩm, Tổng công ty sách Việt Nam cho biết, thị trường lịch năm nay rất nhiều loại, riêng Tổng công ty sách Việt Nam năm nay cho ra mắt hơn 300 sản phẩm gồm lịch tờ, lịch để bàn và lịch bỏ túi.

Bên cạnh việc đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và chất lượng cao, trên mỗi tờ lịch còn tích hợp nhiều thông tin cần thiết cho người sử dụng như lịch âm dương, tiết khí và các thông tin về văn hóa, lịch sử, khoa học công nghệ trong nước và thế giới, các câu danh ngôn được in bằng ba thứ tiếng Việt, Trung Quốc, Anh.

Ngoài ra, các nhà làm lịch ngày càng có kinh nghiệm hơn nên các sản phẩm càng ngày càng đẹp lên. Chủ đề xuyên suốt của các nhà làm lịch là tập trung thể hiện hình ảnh con người và đất nước trong thời kỳ đổi mới, giới thiệu cảnh đẹp và văn hóa các nước trên thế giới.

Nhiều nhà xuất bản còn khai thác vốn cổ truyền thống của dân tộc: Các dòng tranh dân gian Đông Hồ, phong cảnh làng quê, phố cổ Hà Nội.

Đặc biệt, năm 2010 là năm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nên có nhiều mẫu lịch có chủ đề hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Điển hình như các bộ lịch bloc siêu đại hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long của Nhà xuất bản Thống kê, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Giáo dục.

Vào năm Canh Dần, hình chú hổ nằm phủ phục bên ba ông Phúc-Lộc-Thọ cũng hiện diện trong một số mẫu lịch mới khá hấp dẫn.

Nếu như năm ngoái các mẫu lịch thư pháp còn ít, thì năm nay loại lịch này có vẻ áp đảo với nhiều mẫu mới, nét vẽ đẹp, bay bổng, chủ yếu là các mẫu chữ như "Nhẫn", "Tâm", "Phúc", "Chiêu tài Tấn bảo" với các hình đi kèm như cá chép ngậm vàng tượng trưng cho sự no đủ, ba ông Phúc-Lộc-Thọ, hoặc các câu đối chúc Tết.

Giá không tăng

Theo ông Phạm Quý Thế, năm nay, mặc dù giá cả nguyên vật liệu có tăng, nhưng giá bán lịch thì hầu như không tăng. Một vài loại lịch tăng cao nhất cũng chỉ từ 2-3% so với năm ngoái, nhưng chất lượng lịch lại cao hơn hẳn.

Nguyên nhân do các nhà xuất bản quan tâm đầu tư nhiều hơn, kỹ thuật in ngày càng tiến bộ hơn, và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn. Năm nay, 24 thành viên thuộc câu lạc bộ các nhà sản xuất lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng nhau liên kết, thỏa thuận về giá và chi phí phát hành.

Chiết khấu cho khách hàng mua sỉ năm nay được thống nhất với mức 40%, thay vì để các nhà làm lịch tự nâng lên 50-60% như những năm trước. Đây được xem là một nét mới, quan trọng nhất để đem lại sự ổn định cho thị trường lịch năm nay.

Thêm vào đó, nhiều Nhà xuất bản cũng rút kinh nghiệm nên số lượng lịch in ít hơn năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Cừ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho biết, năm 2010, Nhà xuất bản Văn học chỉ in khoảng 20 vạn lịch bloc, ít hơn so với năm ngoái do khó khăn trong khâu phát hành.

Những năm trước, nhà xuất bản đều bán trọn gói cho các công ty phát hành. Nhưng năm nay, việc bán "lúa non" này cũng khó hơn do có nhiều người tham gia.

Qua khảo sát trên thị trường cho thấy, năm nay, các loại lịch đại, siêu cực đại, siêu đại được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn các loại lịch khác. Giá các loại lịch này thường từ 160.000-400.000 đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, không khí mua bán tại các điểm bán lịch vẫn có vẻ “lạnh lẽo”. Dường như người dân chưa mấy quan tâm đến việc mua lịch 2010.

Chủ cửa hàng sách Ngân Nga, số 7A Đinh Lễ (Hà Nội) cho biết, số khách hỏi mua lịch chưa nhiều. Tuy nhiên, các đại lý và nhà phát hành vẫn bình chân vì họ tin thị trường lịch sẽ chuyển biến trong thời gian tới.

Lý giải về tình trạng "lạnh" của thị trường lịch năm nay, các nhà phát hành đều cho rằng, từ khi xóa bỏ độc quyền in và phát hành lịch, người tiêu dùng thường có xu hướng không vội mua. Quen với tâm lý yên tâm không sợ thiếu lịch, nên khách hàng thường trực thói quen chỉ khi nào cần đến, có nghĩa là khi năm hết Tết đến họ mới đi mua./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục