Thị trường ngoại hối chờ đợi các động thái của Fed

Theo các chuyên gia, năm 2014, Fed sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô của chương trình nới lỏng định lượng và duy trì lãi suất cơ bản ở mức xấp xỉ 0%.
Thị trường ngoại hối chờ đợi các động thái của Fed ảnh 1Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington. (Nguồn: THX/TTXVN)

Năm 2013, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các ngoại tệ chủ chốt khác, trong khi sức mạnh của đồng euro cũng gia tăng sau khi xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã dần lắng dịu và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái.

Ở chiều ngược lại, đồng bản tệ của phần lớn các nền kinh tế mới nổi đều mất giá trước những tin đồn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp quy mô của chương trình nới lỏng định lượng.

Liệu xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2014? Câu trả lời sẽ là hãy cùng chờ đợi các động thái tiếp theo của Fed.

Euro gây bất ngờ

Trong năm 2013, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi một cách mạnh mẽ. Đáng chú ý, trong quý 3, bất chấp cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội, nền kinh tế này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,8%, cao nhất trong vòng một năm qua. Trong hai quý trước đó, tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ lần lượt là 1,8% và 2,5%. Những tín hiệu tích cực đó đã đẩy USD tăng giá so với phần lớn các ngoại tệ chủ chốt khác.

Trong khi đó, đồng euro của châu Âu đã bất ngờ tăng giá kể từ giữa quý 2/2013, chủ yếu nhờ các dấu hiệu cho thấy Eurozone đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái kinh tế.

Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), trong quý 2/2013, Eurozone đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 0,3%. Đây là lần đầu tiên Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng dương trong vòng 18 tháng qua. Mặc dù trong quý 3/2013, tốc độ tăng trưởng của Eurozone đã giảm còn 0,1% nhưng điều đó đã không ảnh hưởng nhiều tới xu hướng tăng giá của đồng euro.

Ở chiều ngược lại, đồng bản tệ của hầu hết các nền kinh tế mới nổi như đồng rupee của Ấn Độ, đồng real của Brazil, đồng rand của Nam Phi, rupiah của Indonesia hay peso của Argentine lại rớt giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ. Xu hướng giảm giá của các đồng tiền này đã bắt đầu vào giữa năm 2013 sau khi xuất hiện tin đồn về khả năng Fed sẽ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng và tin đồn này làm dấy lên những lo ngại về khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi.

Trong số các đồng tiền bị rớt giá trong năm 2013, đáng chú ý có đồng yen của Nhật Bản. Tuy nhiên, bản chất của sự suy giảm này lại khác hẳn so với sự mất giá của đồng tiền của hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Đây là sự giảm giá chủ động và có mục đích của chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Kể từ cuối năm 2012, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hạ giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu và vực dậy nền kinh tế. Việc đồng yen giảm giá đã tác động tích cực tới nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này và giúp Nhật Bản dần thoát khỏi tình trạng thiểu phát đã ám ảnh nước này nhiều thập kỷ qua.

Riêng đối với Trung Quốc, mặc dù nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này phải đối mặt với nguy cơ giảm tốc như những nền kinh tế mới nổi khác nhưng đồng nhân dân tệ của nước này vẫn trong xu hướng tăng giá so với USD. Nguyên nhân có thể là do đồng nhân dân tệ đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực của nó.

Chờ đợi các động thái của Fed

Theo các chuyên gia phân tích, năm 2014, Fed có thể sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô của chương trình nới lỏng định lượng nhưng vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức xấp xỉ 0% hiện nay. Tuy nhiên, thời điểm và mức độ thu hẹp các gói nới lỏng định lượng của Fed sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ, nhất là những biến động trên thị trường việc làm.

Nếu các số liệu về tăng trưởng và việc làm ở Mỹ được cải thiện, đồng USD sẽ mạnh lên. Điều này có thể sẽ không gây ra xáo trộn ở các nền kinh tế mới nổi như thời điểm xuất hiện tin đồn Fed sẽ cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng vào giữa năm ngoái bởi vì, tại thời điểm hiện nay, ai cũng hiểu rằng Fed sẽ thu hẹp quy mô chương trình này. Điều người ta quan tâm là khi nào và quy mô của đợt cắt giảm tiếp theo mà thôi. Vì vậy, chắc chắn bà Janet Yellen, người sẽ kế nhiệm ông Bernanke ở vị trí Chủ tịch Fed kể từ ngày 1/2, sẽ phải rất thận trọng trước mọi quyết định chính sách của mình bởi vì, nếu Fed thắt chặt tiền tệ quá nhanh và quá quyết liệt, điều đó có thể gây ra hiệu ứng domino trên toàn cầu.

Trong trường hợp nếu các số liệu kinh tế Mỹ không thuận lợi, có khả năng Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng. Điều này sẽ tác động tới giá trị của đồng USD.

Đối với Nhật Bản, nhiều khả năng BOJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng và bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với châu Âu, mối lo về thiểu phát có thể sẽ buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tiếp tục hạ lãi suất chuẩn, thậm chí xuống mức âm. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Fed.

Các chuyên gia phân tích cho rằng những khác biệt về mặt chính sách giữa các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối trong năm 2014.

Dự báo về những diễn biến trên thị trường ngoại hối, trong báo cáo “Triển vọng Thị trường Ngoại hối năm 2014,” chuyên gia Simon Smith, Trưởng bộ phận nghiên cứu của FXPro, cho rằng trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường ngoại hối toàn cầu sẽ biến động mạnh hơn và các xu hướng ngắn hạn sẽ tiếp tục xuất hiện.

Theo chuyên gia Smith, năm 2014, đồng USD sẽ chỉ mạnh lên với một số điều kiện nhất định. Trong khi đó, đồng euro có thể sẽ tiếp tục gây bất ngờ khi tiếp tục tăng giá trong những tháng đầu của năm 2014 nhờ những biến động tích cực của tài khoản vãng lai, thanh khoản giảm và lạm phát giảm. Đồng tiền chung của châu Âu sẽ sớm phá vỡ ngưỡng 1,4 USD/euro. Đối với yen, đồng tiền này sẽ tiếp tục yếu đi nhưng đà suy giảm của đồng bản tệ của Nhật Bản sẽ không mạnh mẽ như trong giai đoạn đầu của năm 2013.

Cùng chung nhận định đó, các chuyên gia của ngân hàng Maybank của Malaysia cho rằng năm 2014, đồng euro có thể sẽ tiếp tục mạnh lên so với USD cho đến khi sự mạnh lên của đồng tiền này khiến ECB phải hành động để chống lại tình trạng thắt chặt tài chính. Kể từ tháng 4/2014, đồng yen sẽ tiếp tục suy yếu nhờ các gói kích thích vẫn còn và Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra thêm các biện pháp để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục mạnh lên và tỷ giá giữa đồng tiền này và đồng bạc xanh của Mỹ sẽ tăng lên 6,02 nhân dân tệ/USD vào cuối năm 2014.

Riêng đối với đồng USD, các chuyên gia Maybank cho rằng đồng tiền này sẽ bị tác động bởi các giả định rằng Fed sẽ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng trong quý 1/2014 và trong phần còn lại của năm, đồng bạc xanh sẽ suy yếu nhẹ. Đồng USD có thể sẽ chỉ mạnh lên một cách vừa phải vào năm 2015./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục