Thị trường nhà đất Hà Nội: Tăng giá vì khan hàng

Mặc dù Hà Nội đang có hàng chục dự án đô thị mới, và hàng trăm dự án xây dựng chung cư nhỏ lẻ trong nội thành đang được triển khai rầm rộ, nhưng người thực sự có nhu cầu mua nhà để ở lại chẳng thể tìm đâu ra một địa chỉ dự án bán nhà với giá gốc.

Muốn mua nhà chung cư hay đất dự án ư? Cứ “chênh” là có!
Mặc dù Hà Nội đang có hàng chục dự án đô thị mới, và hàng trăm dự án xây dựng chung cư nhỏ lẻ trong nội thành đang được triển khai rầm rộ, nhưng người thực sự có nhu cầu mua nhà để ở lại chẳng thể tìm đâu ra một địa chỉ dự án bán nhà với giá gốc.

Muốn mua nhà chung cư hay đất dự án ư? Cứ “chênh” là có!

“Tay to” buông lưới vét

Ông Vũ Thanh T, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng có trụ sở tại Tòa nhà Thành Công, đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội vừa hoàn thành vụ mua lại 8 căn hộ trong Dự án thành phố giao lưu, nằm ở phía Tây Hà Nội với mức giá hơn 50 triệu/m2, đóng ngay 80% tiền.

Sau vụ giao dịch thành công, ông T phấn khởi khẳng định: “Chỉ một hai năm nữa thôi, khi dự án hoàn thành cơ bản, tối thiểu giá đất tại đây sẽ tăng lên 100 triệu đồng/m2”.

Trước đó, do quen biết, ông T được mua một suất đất gần 400m2 với giá gốc hơn 1.000 USD/m2 tại khu đô thị Bắc An Khánh. “Do không có nhu cầu ở nên tôi sang tay ngay, lấy chênh 900 triệu đồng. Hiện nay, mức chênh lên tới hơn 2 tỷ đồng mà không có đất!”, ông T cho biết.

Được giới “tay to” ủy quyền, Nguyễn Tiến L, một môi giới nhà, đất cỡ lớn khu vực quận Hà Đông đang tìm mọi cách để được đặt mua cả sàn một chung cư chuẩn bị khởi công tại Xa La, Hà Đông.

Ông L cho biết, với việc trả tiền theo tiến độ (30%/lần), nếu đặt mua được cả sàn từ (6 - 8 căn hộ/sàn), chỉ mất số tiền ban đầu, sau đó tìm khách bán dần cho đến khi dự án hoàn thành sẽ “ăn” một nửa. Bây giờ, tìm kiếm được dự án mà đặt tiền mua giá gốc kiểu gì cũng lãi to. “Hàng” khan mà khách thì phải xếp hàng mới tìm được nhà, đất.

“Nóng” những khu hạ tầng hoàn thiện

Phía bắc Hà Nội, khu vực đất xung quanh chân cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì, giá đất được đẩy lên từng ngày kể từ khi cầu Vĩnh Tuy thông xe kỹ thuật. Nguyễn Thị Lan, người làng Trạm, môi giới đất tại khu vực quận Long Biên cho biết, khu vực làng Tư Đình, hồi tháng 5 giá đất trong làng còn dao động khoảng từ 12 - 14 triệu đồng/m2, nay đã lên đến 18 - 19 triệu đồng/m2.

Tại khu vực xã Thạch Bàn, chỉ đầu năm, giá đất còn được chủ và khách cò kè khoảng 3 - 4 triệu đồng/m2, những ngày gần đây khách đã trả giá gấp đôi nhưng dân trong vùng nhất quyết không bán vì cho rằng giá đất còn tăng khi cầu Thanh Trì hoàn thành.

Theo ông Vũ Thanh T, xu thế chung là giá đất ở Hà Nội đều tăng, nhưng đặc biệt tăng mạnh tại những khu vực dân cư, dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, những khu đất có vị trí đẹp. Những dự án hạ tầng cơ sở đồng bộ như có các khu vực công viên, cây xanh như hồ, trường học, nhà trẻ… thì không có mà mua.

Như khu vực đô thị Linh Đàm, cũng chỉ cách đây 3 tháng, giá đất còn dao động khoảng 17 triệu đồng/m2, nay khu vực này đã giao dịch thành công với giá 22 triệu đồng/m2 vì đường vành đai 3 đã hoàn thiện.

Giá đất vì sao tăng?

Ông Nguyễn Văn T, “tay phải” làm Giám đốc một Công ty dược tại Láng Hạ, “tay trái” làm nghề môi giới đất cho biết, đã hai tuần nay lùng mua nhà hộ người anh ở quê.

Vào các sàn giao dịch bất động sản tại đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, chủ các sàn đều trả lời không có hàng giá gốc, lấy chênh thì có ngay. Đặc biệt, tại khu vực đô thị Bắc An Khánh vẫn chưa có căn hộ nào bán ra, đợt bán đầu tiên chỉ dành cho đối tượng “ngoại giao”.

Theo ông Nguyễn Văn T, nguyên nhân đầu tiên khiến giá đất tăng là do có nguồn tiền đổ vào. Cứ có hàng giá gốc hoặc “chênh mềm” là có khách đổ tiền mua ngay.

Thứ hai là các chủ đầu tư không chịu công khai hàng hóa ra thị trường tạo ra sự khan hiếm giả tạo, giới đầu cơ càng có điều kiện “thổi” giá tăng. Thứ ba là người có nhu cầu thật thấy giá đất tăng, sốt ruột cũng hay dò hỏi, tham khảo khiến người có nhà, đất càng găm hàng lại.

Tham khảo các giao dịch thành công tại các dự án phía Tây Hà Nội, có thể thấy rằng, giao dịch thành công của người có nhu cầu thật sự chỉ chiếm phần rất nhỏ. Chủ yếu là các “tay to” ôm nhà, đất với bài tính năm sau, kinh tế phục hồi, giá nhà đất sẽ tăng mạnh…

Lợi bất cập hại

“Có khả năng, cuối năm nay giá đất lại có sóng vì hiện nay thị trường chứng khoán đang tăng giá mạnh. Một số nhà đầu tư, sau khi kiếm lời trong thị trường chứng khoán sẽ chuyển một phần sang đất để tránh rủi ro. Hồi tháng 4, tháng 5 đã xảy ra chuyện này!”, ông T nhận định.

Là một nhà đầu cơ đất nhưng cũng đồng thời là một doanh nghiệp sản xuất, ông Vũ Thanh T bày tỏ lo ngại thực sự khi nguồn tiền xã hội đang đổ mạnh vào hai thị trường: chứng khoán và bất động sản. Theo ông, lẽ ra nguồn tiền này nên được định hướng để chảy vào khu vực sản xuất, tạo ra sản phẩm cho xã hội sẽ giúp kinh tế tăng trưởng. Còn khi nguồn tiền chảy vào hai thị trường trên, có hại cho nền kinh tế hơn là có lợi./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục