Thị trường nông sản trầm lắng, giá gạo Việt Nam giảm nhẹ

Mặc dù giá gạo Việt Nam giảm nhẹ, song các khách hàng đang tìm kiếm gạo từ các nhà xuất khẩu Thái Lan do giá gạo nước này đang được chào bán thấp hơn.
Đóng gói gạo xuất khẩu theo đơn đặt hàng tại nhà máy chế biến lương thực Long An (thuộc Vinafood 2). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Đóng gói gạo xuất khẩu theo đơn đặt hàng tại nhà máy chế biến lương thực Long An (thuộc Vinafood 2). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong tuần qua, nhìn chung thị trường nông sản thế giới khá trầm lắng do chi phí vận chuyển tăng lên nhưng nhu cầu chỉ ở mức thấp.

Thị trường nông sản Mỹ

Giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/6, dẫn đầu là đậu tương.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 giảm 14,5 xu Mỹ (2,07%) xuống 6,845 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 3 xu Mỹ (0,44%) xuống 6,8075USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 7/2021 giảm 35,5 xu Mỹ (2,3%) xuống 15,085 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá ngô và đậu tương kỳ hạn của Mỹ giảm nhẹ lo ngại về nhu cầu nguyên liệu nhiên liệu tái tạo sau thông tin Nhà Trắng đang xem xét cung cấp cứu trợ cho các nhà máy lọc nhiên liệu.

Báo cáo của Reuters cho biết Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đang cân nhắc các cách cứu trợ cho các nhà máy lọc dầu đẩy nhanh áp lực chốt lời vào cuối tuần, khi các nhà dự báo thời tiết cho hay mưa ở một số vùng của đồng bằng Trung Tây và Bắc Mỹ sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây trồng.

Trong lúc chờ đợi báo cáo về diện tích trồng ngô và đậu tương Mỹ, được công bố vào cuối tháng này, các thị trường ngũ cốc sẽ tập trung vào tình hình thời tiết ở Mỹ và khu vực Nam Mỹ, trong bối cảnh thời tiết hạn hán đã làm ảnh hưởng đến sản lượng ngô ở Brazil, trong khi thời tiết tốt ở Argentina đang hỗ trợ cho mùa màng.

Thị trường gạo châu Á

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên trong tuần này do chi phí vận chuyển cao, khiến các thương nhân Việt Nam không ký kết các hợp đồng mới.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 455- 484 USD/tấn trong phiên ngày 10/6 so với mức 457-468 USD/tấn trong tuần trước, trong đó các thương nhân cho rằng chi phí vận chuyển tăng lên, song nhu cầu ở mức thấp.

Một thương nhân tại Bangkok cho hay thị trường gạo khá trầm lắng chủ yếu do chi phí vận chuyển hàng hóa và sự khan hiếm tàu chở hàng.

Đồng baht mạnh lên so với đồng USD gần đây cũng là nguyên nhân làm giá gạo tăng.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 480-485 USD/tấn so với mức 485-490 USD/tấn trong tuần trước.

[FAO: Chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục]

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay mặc dù giá gạo Việt Nam giảm nhẹ, song các khách hàng đang tìm kiếm gạo từ các nhà xuất khẩu Thái Lan do giá gạo nước này đang được chào bán thấp hơn.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao cũng làm ảnh hưởng đến việc ký kết các hợp đồng mua bán mới.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2021 đã giảm 19,9% so với tháng 4/2021 xuống còn 626.750 tấn.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, đã giảm xuống 379-383 USD/tấn so với mức 382-388 USD/tấn chủ yếu do giá trị của đồng rupee giảm.

Nước láng giềng Bangladesh, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, đã đặt mục tiêu thu mua 1,8 triệu tấn gạo trong vụ thu hoạch hiện nay để tăng dự trữ trong nước, vốn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay.

Trong khi đó, giá các mặt hàng lương thực thiết yếu trong nước đã tăng trở lại trong tuần này. Các nhà chức trách cho rằng việc tích trữ hàng hóa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thị trường càphê thế giới

Giá càphê trên thị trường thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 12/6.

Cụ thể, giá càphê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London tăng 0,44% (tương đương 7 USD) lên 1.592 USD/tấn. Còn giá càphê Arabica giao tháng 7/2021 tại New York giảm 0,79% (tương đương 1,25 xu Mỹ) xuống 157,45 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535kg).

Thị trường càphê kỳ hạn đang trong giai đoạn “kinh doanh thời tiết,” nên những thông tin về lượng mưa tại các vùng trồng trọng điểm đang ảnh hưởng mạnh lớn đến giá càphê từng ngày.

Điều này thể hiện rõ nhất khi hiện nay Arabica đang phụ thuộc rất nhiều vào thông tin lượng mưa tại Brazil, trong tuần này giá trên sàn New York trồi sụt liên tục.

Sản lượng càphê nhân của Brazil xuất khẩu trong tháng 5/2021 đạt 3.169 triệu bao (loại 60 kg), giảm so với mức 3.595 triệu bao cùng tháng năm ngoái.

Xuất khẩu càphê của Colombia trong tháng 5/2021 cũng giảm 52% chỉ đạt 427.000 bao do tình hình bất ổn tại nước này.

Trong khi đó, giá càphê Việt Nam giao dịch trong khoảng 33.400-34.300 đồng/kg.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu càphê trong tháng 5/2021 đạt 130.285 tấn, tương đương 2.171.400 bao, giảm 1,38% so với tháng trước, đưa xuất khẩu càphê 5 tháng đầu năm lên đạt tổng cộng 715.263 tấn, khoảng 11,92 triệu bao, giảm 12,01% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân sụt giảm được cho là do giá cước tàu biển tăng quá cao khiến việc giao hàng bị chậm lại, trong khi lượng hàng tồn kho của nhà nông hầu như không đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục