Thị trường rau quả biến động, nhiều khó khăn trong xuất khẩu

Thị trường rau quả trong nước có nhiều biến động do thời tiết bất lợi, một số loại trái cây đang vào mùa thu hoạch rộ song việc xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn.
Thị trường rau quả biến động, nhiều khó khăn trong xuất khẩu ảnh 1Rau quả có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng Tám thị trường trau quả trong nước có nhiều biến động. Một số loại trái cây đang vào mùa thu hoạch rộ song việc xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn.

Tại Bến Tre, giá chôm chôm liên tục giảm và hiện đang ở mức thấp so với 2 - 3 năm trước và chỉ được bán với giá 5.000-6.000 đồng/kg (chôm chôm Java).

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguyên nhân của việc chôm chôm rẻ là do việc xuất khẩu đi Trung Quốc, Campucchia gặp nhiều khó khăn, nông dân lại thu hoạch rộ đúng vào thời điểm mưa kéo dài nên việc tiêu thụ chôm chôm cũng chậm hơn.

[Kim ngạch xuất khẩu tốt nhưng nhiều trái cây Việt vẫn "vô hình"]

Trong tháng, tại Tây Ninh hiện đang mùa thu hoạch nhãn da bò nhưng giá loại nhãn này giảm sâu khiến người trồng nhãn hết sức khó khăn, với mức giá chỉ từ 3.500 - 4.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại Bà Rịa Vũng Tàu, nhãn xuồng với nhiều chủng loại như: xuồng cơm vàng, cơm trắng, bao công, hai Duyệt… có giá dao động từ 50.000-110.000 đồng/kg.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhãn chính vụ của Hưng Yên năm nay có thể đạt trung bình từ 35.000 – 36.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm 2016. 

Đặc biệt, giá dừa tại Bến Tre khoảng một tuần gần đây tăng cao lên mức kỷ lục do nguồn cung thiếu hụt với mức giá dao động quanh mức 125.000 - 150.000 đồng/1 chục (12 trái). Nguyên nhân là do đang trong giai đoạn nghịch mùa, cộng thêm ảnh hưởng của hạn mặn năm ngoái nên sản lượng mua vào thấp. 

Thông tin cũng cho biết, tại Đà Lạt, mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích rau, hoa bị ngập úng, hư hại nặng trong khi thị trường đang tiêu thụ mạnh, đẩy giá các mặt hàng nông sản này tăng chóng mặt. Cụ thể, bắp cải xanh tăng từ khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg tăng lên 8.000 - 10.000 đồng/kg, súp lơ xanh từ 12.000 đồng/kg tăng lên khoảng 20.000 đồng/kg…

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng Tám ước đạt 296 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 8 tháng qua ước đạt 2,32 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017, chiếm 85,1% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.

Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả trong tháng Tám của cả nước cũng ước đạt 169 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 8 tháng qua đạt 1,02 tỷ USD, tăng 93,7% so với cùng kỳ năm 2016.

[Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 23 tỷ USD trong 8 tháng]

Trong số đó, mặt hàng rau ước đạt 190 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ 2016 và mặt hàng quả đạt 809 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 7 tháng đầu năm nay là Thái Lan (chiếm tới 61,8% thị phần), tiếp đến là thị trường Trung Quốc (chiếm 16%).

Trong 7 tháng qua giá trị nhập khẩu rau quả ở tất cả các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong số đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (tăng gấp 3,2 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng gấp 2,2 lần) và New Zealand (tăng 53,5%)./.

Giá trị xuất nhập khẩu rau quả 8 tháng của năm 2017. (Đơn vị: Tỷ USD)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục