Thị trường thực phẩm không đột biến vào dịp cuối năm

Thị trường thực phẩm Tết Giáp Ngọ được dự báo ổn định, không có sự đột biến về giá cả do nguồn cung dồi dào và sức mua của người tiêu dùng không tăng so với năm trước.

Thị trường thực phẩm Tết Giáp Ngọ được dự báo ổn định, không có sự đột biến về giá cả do nguồn cung dồi dào và sức mua của người tiêu dùng không tăng so với năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định, giá các mặt hàng cuối năm tiếp tục ổn định, một số mặt hàng chỉ tăng từ 5-10% so với năm ngoái. Nguyên nhân do hàng hóa phục vụ thị trường Tết Giáp Ngọ dồi dào, phong phú, cung đảm bảo cầu.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng nguồn cung thực phẩm sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nguồn cung này cũng phụ thuộc vào việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 11, cả nước đã có hơn 23 triệu con lợn, bằng 99,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3,3 triệu tấn, tăng 2,1%.

Về chăn nuôi gia cầm, cả nước hiện có khoảng 300 triệu con, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gà đạt 236,4 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm từ đầu năm đến nay đạt 762.300 tấn, tăng 4,05%. Sản lượng trứng gia cầm đạt 7,422 triệu quả, tăng 1,7% so với năm 2012.

Khi được hỏi về thị trường hàng hóa cuối năm, chị Trần Thanh Thúy, tiểu thương chợ Kim Liên chia sẻ, năm nay kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua giảm so với những năm trước.

Bên cạnh đó, các siêu thị cũng tăng mạnh nguồn hàng phục vụ người dân dịp Tết như lương thực, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thực phẩm truyền thống. Vì vậy, thị trường hàng hóa sẽ không biến động nhiều vào những tháng cuối năm.

“Tôi nghĩ xu hướng mua sắm Tết của người dân có nhiều thay đổi. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần trong dịp Tết như trước đây, thì nay họ chỉ ăn trong hai ngày là ngày 30 và mùng 1 Tết. Đến mùng 2 Ttết, chợ lại hoạt động bình thường. Vì vậy, áp lực nguồn cung dồn vào mấy ngày tết không còn nên không lo cháy hàng và tăng giá thực phẩm dịp Tết.”- chị Nguyễn Thanh Loan (Giải Phóng, Hà Nội) nói.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Kim Liên, chợ Đống Đa, chợ Nguyễn Công Trứ và chợ Ngã Tư Sở cho thấy, giá các mặt hàng vẫn giữ ở mức ổn định, thậm chí một số mặt hàng có xu hướng giảm giá như trứng gia cầm, trứng gà công nghiệp giảm từ 15-20%.

Theo đó, trứng gà công nghiệp giá 2.000-2.200 đồng/quả, trứng gà ta giá 3.000-3.500 đồng/quả. Còn thịt gà công nghiệp giá 50.000-55.000 đồng/kg, thịt gà ta giá 120.000-130.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá thịt lợn những ngày gần đây tăng nhẹ, từ 5% đến 10% tùy từng loại. Mỗi cân thịt lợn có giá từ 90.000-120.000 đồng.

Cụ thể, thịt ba chỉ, mông sấn và nạc thăn giá 100.000đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt nạc vai giá 105.000 đồng/kg; thịt chân giò giá 95.000 đồng/kg; sườn thăn tăng 15.000 đồng/kg, giá 110.000 đồng/kg.

Giá thịt bò giao động từ 270.000-290.000 đồng/ kg (tùy từng loại).

Chị Đoàn Kim Oanh, tiểu thương bán thịt tại chợ Đống Đa cho rằng, thời gian gần đây, việc các thương lái Trung Quốc thu gom các loại lợn mỡ có trọng lượng lớn đã khiến giá lợn tăng.

Từ giữa tháng 11 đến nay, giá lợn hơi tăng từ 45.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp thu mua thịt lợn để chế biến thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Điều này làm giảm đáng kể nguồn cung trên thị trường.

Tuy nhiên, lý giải về hiện tượng Trung Quốc thu gom lợn mỡ, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, từ trước tới nay, các trang trại nuôi lợn mỡ chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Hơn nữa, chi phí kiểm dịch, giết mổ, vận chuyển… đều tính theo đầu con. Do đó, thương lái Trung Quốc thu mua lợn có trọng lượng lớn để giảm chi phí.

Tuy nhiên,với số lượng xuất khẩu thường xuyên chỉ 10-15 chuyến xe/ngày (tương đương với lượng vài trăm tấn/ngày) chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ trong nước.

Vì vậy, số lượng lợn xuất đi Trung Quốc không ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt trong nước, vì lượng lợn trong nước hiện vẫn còn rất dồi dào, trong khi sức tiêu thụ trong nước không tăng đột biến./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục