Thị trường tiêu dùng Trung Quốc: Khi nào thoát khỏi kỳ "ngủ Đông"?

Theo kết quả khảo sát nhu cầu tiêu dùng, chỉ có 64,13% những người tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch mua sắm trong ngày “Lễ độc thân” năm nay, thấp hơn mức 83,04% năm 2021 và 85,35% của năm 2020.
Thị trường tiêu dùng Trung Quốc: Khi nào thoát khỏi kỳ "ngủ Đông"? ảnh 1Trụ sở Alibaba ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, ngày “Lễ độc thân” (11/11) đã trôi qua hơn môth tháng, nhưng thị trường vẫn không chờ đợi các nền tảng thương mại điện tử lớn như Alibaba và DJ.com công bố báo cáo “trận chiến lễ hội mua sắm” thường niên, mà lại chờ đợi báo cáo tài chính quý 3 của hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử này.

Kết quả được Alibaba công bố ngày 17/11 cho thấy, tập đoàn này lỗ ròng 20,6 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD) trong quý 3, thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Một ngày sau đó, đối thủ cạnh tranh DJ.com công bố báo cáo cho thấy thu nhập ròng quý 3 của tập đoàn chuyển từ lỗ thành lãi, thu nhập ròng ghi nhận tăng 11,4%.

Tuy nhiên, cho dù Alibaba có kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, hay DJ.com vượt quá kỳ vọng, thì giá cổ phiếu của hai công ty này đều đã rơi thẳng đứng ngay từ đầu tuần, mãi đến ngày 23/11 mới phục hồi được một phần. Nguyên nhân sâu xa vẫn là các biện pháp phòng chống dịch bệnh một lần nữa thắt chặt khiến cho niềm tin của thị trường đối với nhóm cổ phiếu tiêu dùng lao dốc.

Trước ngày “Lễ độc thân” năm nay, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán, chịu ảnh hưởng của nhu cầu tiêu dùng suy yếu, tăng trưởng doanh thu của các công ty thương mại điện tử như Alibaba và DJ.com sẽ sụt giảm trong nửa cuối năm, nhiều khả quý 4 có thể ghi nhận tăng trưởng bằng 0.

Trong thời gian diễn ra ngày “Lễ độc thân,” các nền tảng thương mại điện tử lớn không những không tổ chức tiệc tùng hoành tráng như những năm trước đây, thậm chí lần đầu tiên không công bố tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) và số liệu tăng trưởng.

[Tổng giám đốc IMF: Có thể phải hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc]

Nếu nhìn từ góc độ số liệu bưu kiện chuyển phát nhanh, số liệu do Cục Bưu chính Trung Quốc công bố ngày 12/11 cho thấy, ngày 11/11 đã tổng cộng xử lý 552 triệu bưu kiện chuyển phát nhanh, giảm 21% so với 696 triệu bưu kiện của cùng kỳ năm trước.

Kết quả ảm đạm của hoạt động bán lẻ trực tuyến năm nay vừa bất ngờ, vừa nằm trong dự kiến. Theo kết quả khảo sát nhu cầu tiêu dùng do Trung tâm khảo sát dư luận Nam Đô công bố, chỉ có 64,13% những người tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch mua sắm trong ngày “Lễ độc thân” năm nay, thấp hơn mức 83,04% của năm 2021 và 85,35% của năm 2020.

Mặt khác, số liệu các chỉ số kinh tế chủ chốt của tháng 10 được công bố vào tuần trước cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội trong tháng 10 giảm 0,5% so với cùng kỳ, không những thấp hơn mức tăng trưởng 0,7% mà các nhà phân tích dự đoán, mà còn là lần đầu tiên thu hẹp trong 5 tháng trở lại đây.

Điều này có nghĩa là thị trường tiêu dùng không thể thoát khỏi bóng đen phong tỏa trong nửa đầu năm, đồng thời có khả năng một lần nữa rơi vào trạng thái “ngủ đông.”

Các chuyên gia kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát dự báo, tổng mức bán lẻ cả năm 2022 chỉ tăng 1%. Ngược lại, trong 5 năm trước khi dịch bệnh bùng phát, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 7%-8%, ngay cả trong hai năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội cũng đạt 3,9%.

Là một trong ba “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ba quý đầu năm 2021 của Trung Quốc đạt 62%, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ba quý đầu năm nay, tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng đối với GDP giảm mạnh xuống còn 41%, trong khi tỷ trọng nhập khẩu ròng lại tăng từ 20% lên 32%.

Cho dù ngành xuất khẩu tiếp tục vững mạnh sau dịch bệnh, nhưng cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu toàn cầu thu hẹp, giảm 0,3% trong tháng 10 năm nay, ghi nhận lần đầu tiên sụt giảm trong hơn 2 năm qua. Trong bối cảnh tác dụng thúc đẩy của đầu tư hạn chế, đóng góp của xuất khẩu dự kiến suy yếu, gánh nặng “ổn định kinh tế” lại dồn lên vai tiêu dùng.

Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc do Đại học Nhân dân Trung Quốc và Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Thành Tín của Trung Quốc phối hợp tổ chức đã đưa ra báo cáo vào ngày 19/11 nhấn mạnh, mặc dù thị trường tiêu dùng cả năm của Trung Quốc thể hiện rõ xu hướng phục hồi “chữ V”, nhưng tốc độ tăng trưởng tổng thể vẫn ở mức thấp lịch sử.

Điều này không những do chịu ảnh hưởng của các nhân tố ngắn hạn như giá thực phẩm leo thang, mà còn có sự tác động của các nhân tố dài hạn như tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân giảm xuống, kỳ vọng suy yếu. Báo cáo cho rằng, nâng cao tính chính xác của công tác phòng chống dịch bệnh, khơi thông vòng tuần hoàn kinh tế là những vấn đề quan trọng hàng đầu để hồi sinh tiêu dùng, cơ bản nằm ở cải thiện thu nhập và kỳ vọng.

Tin tốt lành nhất trong ngày “Lễ độc thân” là Chính phủ Trung Quốc công bố 20 biện pháp cải thiện công tác phòng chống dịch bệnh, nới lỏng đáng kể các hạn chế phòng dịch. Do đánh giá tích cực các quy định mới sẽ giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế, nên thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) bật tăng mạnh, nhóm cổ phiếu tiêu dùng như ăn uống và du lịch tăng nhanh.

Giám đốc điều hành Alibaba Trương Dũng thể hiện sự hoan nghênh đối với các biện pháp mới và kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục cải thiện. Giám đốc điều hành DJ.com Từ Lôi cũng thể hiện sự lạc quan tại cuộc họp báo cáo tài chính khi phát biểu rằng: thời khắc xấu nhất đã cơ bản qua đi, sẽ có những nhân tố và thông tin tích cực liên tục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cùng với tình hình dịch bệnh của Trung Quốc nóng lên trong một tuần qua, các chính sách vừa mới nới lỏng không được bao lâu lại một lần nữa thắt chặt. Trong số những thành phố lớn, Trịnh Châu và Trùng Khánh đều rơi vào trạng thái phong tỏa quy mô lớn, nhiều quận ở Bắc Kinh yêu câu cầu người dân làm việc ở nhà, đóng cửa các cửa hàng ăn uống.

Ngay cả Thượng Hải có tình hình dịch bệnh tương đối không đáng kể cũng đã đưa ra quy định mới vào ngày 22/11, cấm những người vào Thượng Hải đến các nơi như cơ sở dịch vụ ăn uống, trung tâm mua sắm trong vòng 5 ngày sau khi đến Thượng Hải. Điều này đã tăng thêm trở ngại cho con đường phục hồi tiêu dùng vốn đang gập ghềnh.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đã ban hành 16 biện pháp để hồi sinh thị trường bất động sản chìm sâu vào mùa Đông lạnh giá từ cuối năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đồng thời nhấn mạnh, kiên trì không xem bất động sản là biện pháp để kích thích kinh tế ngắn hạn, mà phải hỗ trợ “mạnh mẽ hơn, chất lượng cao hơn” cho nền kinh tế thực.

Tuy nhiên, trong hơn một tháng còn lại của năm nay, điều có thể trực tiếp kích thích tiêu dùng hơn chính sách tiền tệ chắc chắn là mức độ nới lỏng và thắt chặt của các biện pháp phòng dịch.

Từ báo cáo trận chiến ngày “Lễ độc thân” lần đầu tiên biến mất đến tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội tiếp tục thu hẹp, thị trường tiêu dùng đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với giới hoạch định quyết sách.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa tan băng, nếu thị trường tiêu dùng lại bước vào trạng thái “ngủ đông” thì khoảng cách giữa nền kinh tế Trung Quốc và “hoa nở mùa Xuân” sẽ ngày càng xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục