Thị trường trái phiếu toàn cầu: Đầy rẫy nguy cơ

Nợ chính phủ và  “chiến lược thoái lui” của chính phủ các nước thời hậu khủng hoảng đang là những vấn đề lớn trên thị trường trái phiếu.

Tình trạng thâm hụt ngân sách và lạm phát gia tăng - có thể là hậu quả của các gói kích thích kinh tế của chính phủ các nước - nhiều khả năng sẽ gây ra sự căng thẳng lớn trên các thị trường trái phiếu chính phủ.
Nợ chính phủ và cái gọi là “chiến lược thoái lui” của chính phủ các nước thời hậu khủng hoảng sẽ là những vấn đề lớn trên các thị trường trái phiếu, thậm chí đến thời điểm này nó còn lớn hơn cả nỗi lo ngại lợi tức sẽ tăng mạnh tại những nước có thâm hụt ngân sách lớn.

Các nhà phân tích đã đôi lần cảnh báo tình trạng thâm hụt ngân sách và lạm phát gia tăng - có thể là hậu quả của các gói kích thích kinh tế của chính phủ các nước - nhiều khả năng sẽ gây ra sự căng thẳng lớn trên các thị trường trái phiếu chính phủ.

Giai đoạn tồi tệ nhất có lẽ chưa đến, nhưng dù sao các thị trường cũng mong muốn chính phủ các nước triển khai “những chiến lược thoái lui” đáng tin cậy để rút lại các gói kích thích kinh tế được tung ra trong giai đoạn khủng hoảng, giảm thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ, đồng thời kiềm chế sức ép lạm phát trong năm tới.

Tâm lý trốn tránh rủi ro của các nhà đầu tư vào lúc cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính đã giúp các thị trường trái phiếu nhìn chung trải qua một năm tăng trưởng khả quan.

Các thị trường trái phiếu đặc biệt thăng hoa khi nỗi chán ghét rủi ro của giới đầu tư lên mức đỉnh điểm. Điểm đáng lưu ý là xu hướng này vẫn tiếp diễn cho dù kinh tế toàn cầu đã bắt đầu hồi phục.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư vẫn bị các thị trường đang nổi lên thu hút. Các thị trường này nhìn chung đang ở vị thế tốt hơn các nước phát triển trong việc vươn lên mạnh mẽ từ khủng hoảng toàn cầu.

Tuy nhiên, khủng hoảng nợ ở Dubai đã khiến người ta lại đổ dồn mọi lo ngại vào tình trạng tài chính công căng thẳng của Hy Lạp, một thành viên của khu vực sử dụng đồng euro. Đồng thời, đây cũng là lời thức tỉnh đối với các thị trường trái phiếu về thâm hụt và nợ của chính phủ nói chung.

Giám đốc bộ phận chiến lược thuộc Dexia, Nicolas Forest, cho rằng “chiến lược thoái lui” sẽ là chủ đề lớn nhất năm 2010.

Chính phủ các nước bán trái phiếu có thu nhập bảo đảm để trang trải các khoản thâm hụt ngân sách. Những trái phiếu này được đánh giá tín dụng dựa trên mức độ an toàn mà các chuyên gia đánh giá về chúng. Nhưng nếu lãi suất trái phiếu tăng lên hay nếu rủi ro đối với các nền kinh tế hoặc lạm phát gia tăng, một số nhà đầu tư sẽ không ngần ngại bán trái phiếu, qua đó đẩy thu nhập tăng lên. Điều này có xu hướng làm thay đổi lãi suất ở nước này và khi đó giá cổ phiếu khó tránh khỏi sụt giảm do hoạt động kinh tế sa sút.

Các nhà đầu tư đã chỉ ra bài học năm 1994, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và bước đi này của FED khi đó đã làm sụt giá trái phiếu trên các thị trường, đồng thời đẩy lợi tức trái phiếu gia tăng.

Nhìn chung, các ngân hàng trung ương đã có những bước đi khá cẩn trọng trong năm 2009, đồng thời chủ động duy trì các chính sách tiền tệ lỏng để thúc đẩy các nền kinh tế còn “mong manh”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi đầu tháng 12/2009 đã giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1%, đi kèm với tuyên bố bắt đầu ngừng các biện pháp tiền tệ lỏng từ ngày 16/12.

Nhà phân tích Nicholas Kounis thuộc ngân hàng Fortis của Pháp-Bỉ-Hà Lan nói rằng quyết định trên “rất phù hợp với việc loại bỏ dần các biện pháp bất thường”.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cũng đã ra lời cảnh báo về việc cường điệu quá mức ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Dubai.

Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng nợ ở Dubai tuy là một vấn đề mang tính địa phương, nhưng ban đầu nó cũng đã khiến các thị trường phải chao đảo và làm người ta phải e ngại về những nước có gánh nợ lớn, như Hy Lạp.

Tuy vậy, ông Trichet tin rằng Chính phủ Hy Lạp sẽ đưa ra các quyết định hợp lý.

Trong những tuần gần đây, Hy Lạp đã nổi lên là nước có thâm hụt ngân sách lớn, với mức thâm hụt dự báo tăng lên 12,7% GDP trong năm 2009 và nợ lên tới 113% GDP. Điều này khiến các nhà phân tích phải xôn xao bàn tán về hậu quả mà một nước trong khu vực đồng euro bị vỡ nợ gây ra đối với khối này, mặc dù quan điểm chung là không để một nước thành viên nào bị vỡ nợ.

Với tựa đề “Hy Lạp có thể bị vỡ nợ”, báo cáo của UBS lưu ý rằng nguy cơ gây tác động xấu, chẳng hạn như rủi ro hệ thống, là rất lớn và không thể bỏ qua. Tuy nhiên, UBS tin rằng nếu một nước vấp phải vấn đề thanh toán nợ, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ.

Bất chấp các vấn đề nợ ở Hy Lạp và Dubai, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu trái phiếu từ các thị trường đang nổi vẫn mạnh, nhưng các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các nền kinh tế mạnh nhất.

Các nước đang phát triển, như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ, được cho là những nước sẽ được lợi từ sự tập trung này, trong khi Dubai, Hy Lạp, Argentina, Ukraine, Venezuela, Hungary, Romania và các nước Baltic là những địa chỉ ít được khuyến nghị nhất./.

Như Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục